Tiền điện tăng gấp đôi, người dân nói hóa đơn như đánh đố

Hóa đơn tiền điện tăng cao khiến nhiều người băn khoăn về cách tính bậc thang. Khi xem hóa đơn, một số khách hàng phản ánh nội dung khó hiểu như đánh đố.

Không rõ cách tính bậc thang

Mới đây, chị Vương (ở Mỹ Đình, Hà Nội) bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 2. Tổng lượng điện tiêu thụ từ ngày 10/1-29/2 là 778kWh, trong khi tháng 12 (10/11-9/12) chỉ 398kWh. Tiền điện vì thế cũng tăng từ mức hơn 1 triệu đồng, lên 2,1 triệu đồng.

Được thông báo rằng số tiền điện trên là thu gộp cho 2 tháng, tuy nhiên, chị Vương bức xúc vì hóa đơn thông báo "như đánh đố", khiến khách hàng không hiểu vì sao có sự thay đổi này. Chị Vương cũng không biết việc tính bậc thang trong hóa đơn lần này theo nguyên tắc nào.

Trước đây, nếu ghi chỉ số trong 30 ngày, giá điện hiện nay được thiết kế làm 6 bậc. Số kWh để hưởng giá điện bậc 1 là 50 kWh; bậc 2 là 50 kWh tiếp theo; cứ 100 kWh tiếp theo nữa sẽ là bậc 3, bậc 4, bậc 5. Từ 401 kWh trở lên sẽ chịu giá điện bậc 6.

Tuy nhiên, nhìn vào hóa đơn kỳ này, các bậc được thể hiện 2 lần với những con số khác nhau. Cụ thể, bậc 1 và bậc 2 phía trên ghi 23kWh, nhưng phía dưới ghi 60kWh; bậc 3, bậc 4 phía trên ghi 45kWh, phía dưới ghi 119kWh...

Hóa đơn thể hiện sản lượng điện tiêu thụ theo bậc trong kỳ ghi chỉ số công tơ theo 30 ngày (bên trái) và theo kỳ ghi cuối tháng 2 (51 ngày) theo cách mới của gia đình chị Vương.

Tương tự, anh Tuấn (Nghĩa Tân, Hà Nội) cũng thắc mắc khi tiền điện sử dụng trong 51 ngày lên tới 2,51 triệu đồng gấp 2,4 lần những tháng trước dù sinh hoạt không thay đổi, thiết bị không thay đổi, chưa kể gia đình anh về quê ăn Tết.

Trăn trở của chị Vương, anh Tuấn cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ gia đình ở Hà Nội.

Ngành điện cần truyền thông rõ hơn

Bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) giải thích do tiền điện tăng do thay đổi cách ghi chỉ số công tơ. Ngành điện đã chuyển từ việc ghi rải rác trong các ngày 3-25 hàng tháng, sang ghi cố định ngày cuối tháng. Điều này khiến cho số ngày tiêu thụ ở kỳ tính tiền điện tháng 2 tăng lên từ 38 - 57 ngày, thay vì 30, hoặc 31 ngày như trước đây.

Việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ, theo bà Phương, nhằm đáp ứng kế hoạch đến năm 2025 ngành điện sẽ hoàn thành việc chuyển sang ghi chốt chỉ số công tơ thống nhất trên toàn quốc vào ngày cuối tháng.

Về việc nhiều hộ gia đình lo ngại tăng ngày tiêu thụ sẽ khiến cho lũy kế bậc thang tăng lên, bà Phương cho hay "quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo". Cơ sở để tính hóa đơn tiền điện được căn cứ theo sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng trong từng kỳ ghi chỉ số, và công thức tính toán được quy định từ cơ quan quản lý nhà nước, áp dụng chung trên toàn quốc.

Tức là, số ngày cao hơn thì số kWh để tính giá điện bậc thang cũng tăng lên.

Như hóa đơn của gia đình anh Tuấn, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 từ 50kWh (theo 30 ngày) được tính thành 82 kWh trong kỳ ghi 51 ngày; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 kWh lên 165 kWh…

Hóa đơn tiền điện trước - sau khi thay đổi.

Đại diện EVNHANOI nói rằng, việc ghi chỉ số công tơ cuối tháng sẽ giúp dễ giám sát và kiểm tra quyền lợi, dễ ghi nhớ ngày ghi chỉ số công tơ, biết chắc chắn lượng điện năng sử dụng trong tháng. Với doanh nghiệp sẽ giúp thực hiện đúng quy định của kế toán.

Dù vậy, một chuyên gia cho rằng cần truyền thông rộng rãi hơn nữa để người dân hiểu và cũng cần thống nhất cách ghi hóa đơn làm sao để dễ hiểu. Từ đó mới nhận được đồng thuận từ người dân.

Trước đó, một số địa phương như TP.HCM, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Thái Nguyên đã áp dụng cách chốt số điện mới từ tháng 9/2023. Cũng có nơi vấp phải ý kiến trái chiều trong việc thay đổi ghi chỉ số công tơ khi hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tien-dien-tang-gap-doi-nguoi-dan-noi-hoa-don-nhu-danh-do-192240305170924498.htm