Tiêm vắc xin, giải pháp phòng dịch hữu hiệu cho vật nuôi

Nhân viên thú y huyện Phú Hòa tiêm vắc xin LMLM cho gia súc. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Thời tiết ngày càng nắng nóng, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên vật nuôi rất cao. Để chủ động ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh xảy ra, ngành Thú y và các địa phương đang tập trung tiêm phòng vắc xin. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng dịch cho đàn vật nuôi.

Tập trung tiêm phòng

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhận định năm nay tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, uy hiếp đến an toàn đàn vật nuôi nên chi cục đã tổ chức tiêm phòng vắc xin sớm hơn mọi năm. Từ đầu tháng 2, ngành Thú y đã phối hợp cùng các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2023 cho gia súc, gia cầm. Để công tác tiêm phòng được thuận lợi, đơn vị đã tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho cán bộ thú y và tổ tiêm phòng về các nguyên tắc bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm và cách xử lý các trường hợp bị phản ứng thuốc trong quá trình tiêm…

Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh cho biết: Sau hơn 2 tháng thực hiện, địa phương đã tiêm hơn 14.600 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM), đạt tỉ lệ gần 85% tổng đàn gia súc trong diện tiêm của toàn huyện. Trong đó, xã Ea Ly có tỉ lệ tiêm phòng đạt cao nhất, khoảng 96% với 997 con trâu, bò được tiêm vắc xin LMLM. Huyện Sông Hinh đang tiếp tục vận động tiêm vét cho những vật nuôi chưa được tiêm phòng trong đợt chính vừa rồi. Theo ông Chung, năm nay, bệnh tụ huyết trùng không còn trong chương trình tiêm chủng quốc gia, không được Nhà nước hỗ trợ vắc xin miễn phí nên người dân gần như không tiêm loại vắc xin này. Đến nay, toàn huyện Sông Hinh chỉ tiêm được 25 liều vắc xin tụ huyết trùng. Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 5, huyện cũng tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục, đảm bảo thời gian nghỉ tối thiểu cho gia súc (theo quy định là 15 ngày - PV) giữa 2 mũi tiêm LMLM và viêm da nổi cục.

Tại huyện Phú Hòa, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành Thú y, đến nay, toàn huyện đã tiêm được hơn 11.200 liều vắc xin LMLM, đạt tỉ lệ 90% tổng đàn trong diện tiêm. Ông Nguyễn Ngọc Đức, cán bộ quản lý Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa cho biết: Ngoài vắc xin LMLM, địa phương vẫn rất tích cực tuyên truyền vận động để người dân mua vắc xin tụ huyết trùng tiêm phòng cho vật nuôi. Mặc dù hiện nay, bệnh này không còn trong chương trình tiêm chủng quốc gia nhưng nguy cơ bùng phát và tỉ lệ rủi ro do bệnh này gây ra vẫn rất cao. Hiện toàn huyện Phú Hòa, người dân đã mua và tiêm phòng được 5.475 liều vắc xin tụ huyết trùng.

Người nuôi cần chủ động

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ cơ quan chức năng, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi phải chủ động ngăn ngừa, phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ của Nhà nước đối với các loại dịch bệnh được cấp vắc xin miễn phí như LMLM, viêm da nổi cục…, người chăn nuôi cần mua, tiêm phòng vắc xin các loại bệnh khác như tụ huyết trùng, cúm gia cầm… để giúp vật nuôi có sức đề kháng tốt nhất.

Ông Trần Văn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: Vừa qua, tôi đã tiêm phòng vắc xin LMLM cho toàn đàn bò của gia đình và cũng đã đăng ký để tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục trong thời gian tới. Ngoài các loại vắc xin được hỗ trợ tiêm miễn phí, tôi còn chủ động mua và tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng cho cả đàn bò. Tính ra, mỗi liều vắc xin tụ huyết trùng chỉ khoảng 9.000 đồng (tiền vắc xin và công tiêm), tiêm hết đàn chỉ tốn 45.000 đồng, chi phí không bao nhiêu nhưng đàn gia súc lại được bảo vệ an toàn, hạn chế rủi ro.

Ngoài tiêm phòng vắc xin, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc, đảm bảo vật nuôi được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống để nâng cao sức khỏe trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Lành ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), mấy ngày nay nắng nóng quá nên bà không thả bò lên rẫy nữa mà nhốt tại chuồng cắt cỏ cho ăn. Bà còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bổ sung muối khoáng, vitamin C để giúp bò có sức khỏe tốt.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Việc thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh như tiêm phòng, vệ sinh thú y, bổ sung thức ăn, khoáng chất… sẽ giúp vật nuôi có được sức khỏe và sức đề kháng tốt nhất, hạn chế bị virus gây bệnh xâm nhập gây hại, giảm rủi ro cho người chăn nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh đã có 85.442 con/111.843 con trâu, bò trong diện tiêm được tiêm phòng vắc xin LMLM, đạt tỉ lệ 76%. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 16.325 con gia súc được tiêm vắc xin tụ huyết trùng, 56.722 con trâu, bò được tiêm vắc xin viêm da nổi cục và 166.300 con gà, vịt được tiêm vắc xin cúm gia cầm. Chi cục đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt trên 80% theo kế hoạch.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298117/tiem-vac-xin-giai-phap-phong-dich-huu-hieu-cho-vat-nuoi.html