Tiêm phòng đầy đủ: Việc cần thiết

GD&TĐ - Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin về việc người tiêm vắc xin sẽ không có lợi cho sức khỏe, thậm chí là gây độc đối với cơ thể trước mắt và lâu dài. Ngay sau đó, trên các phương tiện truyền thông, các chuyên gia y tế đã lên tiếng khẳng định đây là những thông tin sai sự thật, phản khoa học.

Thực tế cho thấy, trong vài ba thập niên trở lại đây, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em ở nước ta đã giảm đi đáng kể. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ em chính là tiêm chủng dự phòng. Trong đó, cốt lõi là chương trình tiêm chủng mở rộng với đối tượng chính là trẻ em dưới 5 tuổi. Từ hàng chục năm qua, tiêm chủng bằng vắc xin đã trở thành một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ sức khỏe, dự phòng bệnh tật cho mọi người nói chung, trẻ em nói riêng.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, sau thời gian triển khai rộng rãi trên toàn quốc, chương trình tiêm chủng mở rộng đã dự phòng cho trên 7 triệu trẻ em khỏi mắc 11 bệnh truyền nhiễm và cứu gần 50.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh: Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt… Các nghiên cứu cho thấy, vắc xin đã được chứng minh là một trong những dược phẩm an toàn mà con người có thể chế tạo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vắc xin cũng có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn được gọi là phản ứng sau tiêm chủng. Sự lo lắng thái quá về những phản ứng phụ sau khi tiêm chủng đã khiến nhiều bậc phụ huynh còn có tâm lý e ngại khi đưa con em đến các điểm tiêm chủng.

Hiệu quả, tác dụng từ việc tiêm chủng đã được thực tế kiểm nghiệm. Vấn đề còn lại là, ngành Y tế cần tuân thủ nghiêm túc quy trình tiêm chủng an toàn cũng như các quy định bảo đảm chất lượng vắc xin trong bảo quản, vận chuyển và sử dụng tại các điểm tiêm chủng nhằm hạn chế tối đa những tác dụng phụ không mong muốn và những biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Từ một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, việc bảo quản vắc xin không đúng quy định, sử dụng sai quy trình; để lẫn vắc xin với các loại thuốc và sinh phẩm khác dễ có nguy cơ tiêm nhầm thuốc; không khám sàng lọc trước khi tiêm để chống chỉ định các trường hợp nguy cơ biến chứng cao là những lỗi mà cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng không được phép vi phạm. Khi chất lượng tất cả các loại vắc xin được bảo đảm bởi quy trình sản xuất, bảo quản nghiêm ngặt từ nhà phân phối đến người sử dụng, việc tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy trình, chắc hẳn người dân sẽ hoàn toàn yên tâm đưa con em đi tiêm phòng theo đúng lịch tiêm chủng đã quy định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/tiem-phong-day-du-viec-can-thiet-3531326-b.html