Tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch

Hòn Phụ Tử- biểu tượng cho vẻ đẹp của Kiên Giang (ảnh pasoto)

(Tổ Quốc)- “Mục tiêu chính của Năm du lịch quốc gia 2016 là quảng bá hình ảnh, là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước và thu hút đầu tư cũng như phát huy lợi thế của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”- ông Mai Văn Huỳnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang- Trưởng Ban tổ chức địa phương Năm du lịch quốc gia 2016 phát biểu trước báo giới.

Điều kiện tốt để phát triển du lịch

Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng đều có nhiều điều kiện tốt để phát triển du lịch.

Việt Nam với đường bờ biển trải dài hơn 3000km, những khu rừng nguyên sơ, các hang động tự nhiên không phải nước nào cũng có, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển, là kỳ quan của thế giới; hệ thống đền, chùa, miếu mạo, nhiều di tích văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể… đã được Unesco và các tổ chức văn hóa quốc tế công nhận là di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của nhân loại; là đất nước của hơn 8000 lễ, hội, trong đó nhiều lễ hội độc đáo, trải dài từ Bắc vào Nam. Thêm vào đó, truyền thống đạo đức tốt đẹp, người dân hiền lành, mến khách… là những điểm cộng cho du lịch Việt Nam.

Tỉnh Kiên Giang là một tỉnh ven biển, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại có lợi thế là có cả rừng, núi, biển, đảo, với huyện đảo Phú Quốc, là trung tâm du lịch sinh thái, là nơi giao thương giữa các nước trong khu vực và thế giới. Chính những đặc điểm này đã khiến Kiên Giang trở thành vùng đất nổi trội lên so với các tỉnh khác trong khu vực, là tỉnh trọng điểm về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển nhanh và bền vững.

Sự kiện Kiên Giang vinh dự được đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”, theo ông Mai Văn Huỳnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, là sự kiện văn hóa- kinh tế- xã hội tiêu biểu, có quy mô tầm quốc gia, quốc tế và cũng là cơ hội để quảng bá tiềm năng du lịch.

Xác định được tầm quan trọng ấy, ngay từ năm 2015, tại sự kiện Tuần Văn hóa- Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Hà Nội và TP. Đà Nẵng để xúc tiến quảng bá, giới thiệu về Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức, UBND tỉnh đã thành lập đoàn gồm 20 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia giới thiệu chương trình Năm Du lịch quốc gia.

Ngoài ra, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới mục tiêu là quảng bá điểm đến, tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo bàn đạp phát triển ngành du lịch. “Theo đó, trong khuôn khổ chương trình năm du lịch, ngoài điểm nhấn chính là “đảo ngọc” Phú Quốc- nơi diễn ra lễ khai mạc, sẽ có 63 chương trình, sự kiện diễn ra suốt cả năm trên 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và 6 tỉnh thành phố liên kết”- ông Mai Văn Huỳnh cho biết thêm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là thông qua sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2016 này, sẽ thúc đẩy được ý thức làm du lịch của người dân, để người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch.

Cơ hội “Khơi dậy tiềm năng du lịch…”

Điều này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 diễn ratại “đảo ngọc” Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cũng theo Phó Thủ tướng, Năm Du lịch quốc gia 2016 không chỉ nhằm thúc đẩy du khách “Khám phá đất phương Nam” với các dịch vụ du lịch biển đảo, du lịch miệt vườn sông nước hấp dẫn mà còn là dịp để tất cả chúng ta cùng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực rất đáng trân trọng và khích lệ của ngành du lịch trong năm qua đồng thời nhìn nhận những điểm còn bất cập, xác định quyết tâm nỗ lực phấn đấu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cho biết, sự kiện Năm Du lịch quốc gia đã trở thành hoạt động thường niên trong nước lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam. Sự kiện này là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cũng như đẩy mạnh hoạt động đào tạo lại nguồn nhân lực và xây dựng, làm mới, xúc tiến sản phẩm tại các thị trường nước ngoài, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch; thúc đẩy du lịch các địa phương trong cả nước phát triển theo hướng bền vững.

Theo ông Trần Chí Dũng- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kiên Giang, những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất của Kiên Giang đang được đầu tư, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đã và đang hình thành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Với việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện tương đối tốt, đảm bảo đúng yêu cầu và theo kịp tiến độ; công tác thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tổ chức được nhiều chương trình, sự kiện với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, sẽ hấp dẫn đông du khách trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê của Sở VHTTDL Kiên Giang, hiện trên toàn tỉnh có khoảng 10.000 phòng khách sạn, trong đó tập trung hơn một nửa ở Phú Quốc. “Số lượng phòng này sẽ đáp ứng đủ lượng khách lớn đến tham quan du lịch và nghỉ dưỡng trong Năm du lịch quốc gia” - ông Trần Chí Dũng nói.

Gia Thanh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/21/kinh-te-du-lich/144020/tiem-nang-va-co-hoi-de-phat-trien-du-lich.aspx