Tiềm năng phát triển ngành cơ khí chế tạo khuôn mẫu

Sản xuất các sản phẩm cơ khí khuôn mẫu được coi là tương lai của ngành Công nghiệp. Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực sản xuất thì ngành cơ khí khuôn mẫu ngày càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Doanh nghiệp rất quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí chế tạo khuôn mẫu. Trong ảnh: Kiểm tra độ hoàn thiện sản phẩm tại Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp (DN) nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, năng lực hạn chế, các DN đang rất cần sự hỗ trợ để có thêm động lực phát triển.

* Nhiều tiềm năng

Hiện nay, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như là “nền tảng của nền công nghiệp”, đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.

Với những tiềm năng đó, ngành này được Nhà nước quan tâm và nhiều DN đã đầu tư phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia, DN sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên các DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, tìm cách kết nối bán hàng cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Tại Đồng Nai đã có một số DN có thành công đáng kể, đơn cử như Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành) từng bước chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Trưởng Quốc Cường, Giám đốc công ty cho hay, DN chuyên cung ứng các sản phẩm nhựa cao su kỹ thuật trong sản xuất ô tô, xe máy. Tuy là DN Việt, quy mô vừa nhưng lợi thế của công ty là chủ động chế tạo được khuôn mẫu. Thay vì phải thuê gia công thì việc tự chủ công nghệ giúp DN giảm giá thành và nâng cao chất lượng.

Tương tự, thông qua sự kết nối của Tổ Điều phối viên công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, Công ty TNHH Đại Á Thành (TP.Biên Hòa) đã kết nối được với một số DN có vốn đầu tư Nhật Bản ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ có được các đối tác với đòi hỏi khắt khe, sản phẩm của công ty ngày càng được cải tiến. Theo chủ DN này, kinh nghiệm rút ra là bên cạnh việc cải tiến liên tục thì phải luôn cầu thị, làm đúng giao hẹn với khách và tương tác, phản hồi nhanh chóng để khắc phục các hạn chế.

* Cần được hỗ trợ

Công nghiệp cơ khí, chế tạo có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng hầu hết các DN nội tỉnh có quy mô, nguồn lực còn hạn chế, chịu sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài nên chưa phát huy được hết tiềm năng. Khảo sát các DN cơ khí, chế tạo của Đồng Nai thì đa số DN tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các DN ngành cơ khí khuôn mẫu đang phải đối mặt. Cùng với đó, chất lượng nhân công có trình độ, kỹ thuật cao còn ít, DN phải bỏ công ra đào tạo nhiều mới trở thành thợ lành nghề được.

Theo ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất máy móc trong lĩnh vực xử lý môi trường thì vấn đề có thể thấy ngay là đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo đòi hỏi rất nhiều vốn. Máy móc, nguyên phụ liệu, các thiết bị đầu vào đắt đỏ. Muốn sản phẩm chất lượng, cạnh tranh, DN phải có được cơ sở vật chất, máy móc hiện đại nhất. Điều này không phải DN nào cũng đáp ứng được.

Các DN mong muốn có chính sách trợ giúp thuận lợi hơn cho ngành, nhất là trong việc vay vốn ưu đãi. Thực tế hiện nay, để đầu tư phát triển, DN rất khó vay được vốn ngân hàng vì nhu cầu lớn nhưng số tiền vay được không đủ, nhiều người phải tính đến phương án vay ngoài. Việc phải trả lãi suất cao cũng “bào mòn” sức khỏe DN, nhất là trong giai đoạn hiện nay, do vậy rất khó để huy động tiềm lực tái đầu tư.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202307/tiem-nang-phat-trien-nganh-co-khi-che-tao-khuon-mau-3171856/