Tiềm năng phát triển mạnh du lịch bền vững

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm và có sự đầu tư mạnh mẽ.

Du khách thích thú với thiên nhiên trong lành, khí hậu mát mẻ của Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Du lịch bền vững đang được nói đến rất nhiều tại Việt Nam và cũng đang trên đà tăng trưởng theo thống kê của nhiều cơ quan nghiên cứu thị trường.

Mới đây nhất, kết quả khảo sát người tiêu dùng về xu hướng du lịch 2024 của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) ghi nhận, hơn 96,7% người trả lời đã từng nghe về du lịch bền vững. Năm 2023, số lượt tìm kiếm của hai điểm đến là Ninh Bình và Hội An đã tăng đột biến so với năm 2022.

Những điểm đến này được ưa chuộng vì vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa, chỗ ở thân thiện với môi trường, trải nghiệm hòa mình với người dân bản xứ và sự hỗ trợ các sáng kiến bền vững. Điều này phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với trải nghiệm du lịch xanh. Dù có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn trong năm 2024, nhưng du khách sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ để giảm những ảnh hưởng có hại đến thiên nhiên, di sản văn hóa địa phương.

Đáng chú ý, có đến 78,7% du khách sẵn sàng chi trả thêm cho dịch vụ lưu trú, 75,4% cho dịch vụ tham quan và 73,8% cho dịch vụ ăn uống; trong đó, du khách đặc biệt quan tâm đến các cơ sở lưu trú được cấp nhãn Du lịch bền vững Bông Sen Xanh, các cơ sở lưu trú có các chương trình hay quỹ liên quan đến trách nhiệm xã hội cũng nhận được lượng đặt phòng tăng vọt trong năm.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định, du khách Việt đã và đang có cách nhìn nhận tích cực, có ý thức phát triển du lịch bền vững, các khách sạn trong nước tích cực đưa ra các chính sách bảo vệ, duy trì vùng biển, bãi cát và cảnh quan tự nhiên. Nhiều khách sạn đã sử dụng hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo chất lượng, kiểm soát thức ăn thừa, sử dụng chất tẩy hữu cơ từ bồ hòn,…

Cộng đồng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tham gia tích cực vào xu hướng du lịch bền vững này khi ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như đi bộ, leo núi, bơi lội..., qua đó, kết hợp giữa thưởng thức thiên nhiên và nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.

Song song đó, du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cũng đang là “mỏ vàng” chưa được khai thác và nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2024.

Biện dẫn các nguồn tin quốc tế, ông Vinh cho biết thêm, Tạp chí Business Insider có ghi nhận nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6.000 tỷ USD trong năm 2024. Hay như Grand View Research có thống kê, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. Kết quả khảo sát của Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Yale -Mỹ (Global Wellness Institute) cho thấy, có đến 76% người được hỏi muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý.

Do đó, có thể nhận định, Việt Nam đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Ngoài ra, ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh, điều hòa cơ thể.

Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch suối khoáng nóng; trong đó, nhiều khu nghỉ dưỡng cung cấp các lớp thiền định, yoga chữa lành, hội thảo giảm căng thẳng và thậm chí cả tư vấn liệu pháp giấc ngủ. Việc kết hợp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh và có nguồn gốc địa phương đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều khách sạn vì khách hàng ngày càng có ý thức hơn về lựa chọn chế độ ăn uống của mình.

Du lịch MICE (Meetings, Incentives, Conferences, Exhibitions) là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo với tham quan, nghỉ dưỡng… Đây là loại hình du lịch rất phổ biến trên thế giới.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tại Đông Nam Á, Singapore là nước đi đầu về loại hình du lịch này. Trong khi đó, ở Việt Nam loại hình du lịch này còn khá mới, tuy nhiên đang được chú trọng phát triển và có nhiều tiềm năng mang về nguồn thu lớn cho toàn ngành. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng du lịch MICE sẽ trở thành xu hướng của năm 2024.

Theo số liệu thống kê ước tính từ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trong nước, khách MICE chiếm khoảng từ 15 - 20% tổng lượng khách và có thời điểm lên đến 60% đối với một số đơn vị du lịch lớn trong giai đoạn cao điểm. Có khoảng 20% khách MICE đến từ thị trường châu Âu, đây chính là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu lớn, từ 700 – 1.000 USD/ngày.

Trong khi đó, dòng khách MICE đến từ thị trường châu Á chi tiêu khoảng 400 USD/ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD. Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm và có sự đầu tư mạnh mẽ.

Đặc biệt, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch phức hợp phục vụ nhu cầu đa dạng của khách MICE. Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những địa điểm tổ chức du lịch MICE được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Ông Võ Thành Trung, CEO Melody Retreat chia sẻ tại Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Ông Võ Thành Trung, đại diện Melody Retreat cho hay, ngành du lịch đang trên đà phục hồi sau đại dịch; trong đó mô hình du lịch trải nghiệm về với thiên nhiên xanh đang có xu hướng tăng trưởng mạnh đối với khách nội địa.

Trước đây, khách du lịch hướng tới việc đi khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thì nay nhu cầu của họ đã thay đổi theo hướng tìm hiểu, trải nghiệm sâu hơn về văn hóa, ẩm thực và đời sống của từng địa điểm du lịch đó. Trải nghiệm ở đây có thể hiểu là du khách muốn tương tác nhiều hơn với điểm đến, tìm hiểu sâu hơn về hệ sinh thái, thảm thực vật; kết nối và tương tác với cộng đồng người dân địa phương nhiều hơn.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường, các công ty du lịch đang phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các điểm đến để tạo ra các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, các công ty du lịch đang nỗ lực tiếp cận theo chiến lược gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo thêm những sản phẩm du lịch riêng có, đặc sắc hoặc sử dụng ngày càng nhiều công cụ thị trường để thu hút ngày càng đông du khách.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tiem-nang-phat-trien-manh-du-lich-ben-vung/322693.html