Tiềm năng của tên lửa chống hạm Kh-35

Hải quân Nga hiện được trang bị nhiều loại tên lửa chống hạm, đặc biệt là dòng tên lửa chống hạm Kh-35. Các tên lửa này cho thấy tính năng kỹ - chiến thuật.

Trong suốt quá trình phát triển, các tên lửa chống hạm Kh-35 này cho thấy những tính năng kỹ -chiến thuật, linh hoạt và hiệu quả cao.

Lịch sử ra đời

Phiên bản đầu tiên của tên lửa Kh-35 được phát triển tại Phòng thiết kế Zvezda (Ngôi sao) từ cuối thập niên 1970. Giữa những năm 1980, nó đã trải qua các cuộc thử nghiệm bay, nhưng không lâu sau đó nhịp độ làm việc bị chậm lại đáng kể. Sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu thập niên 1990 đã ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầy triển vọng. Do đó, thời hạn hoàn thành dự án Kh-35 và việc đưa tên lửa vào phục vụ liên tục bị thay đổi.

Tên lửa Kh-35 phóng từ tàu hộ vệ Smerch

Giữa những năm 1990, trong bối cảnh Hải quân Nga vẫn tiếp tục các cuộc thử nghiệm, thì Hải quân Ấn Độ đã bắt đầu quan tâm đến tên lửa chống hạm mới. Ngay sau đó, xuất hiện hợp đồng cung cấp hàng loạt tên lửa phục vụ cho xuất khẩu. Đơn đặt hàng này đã giúp các nhà sản xuất tiếp tục những công đoạn đầu chế tạo tên lửa. Thế nhưng, dự án vẫn không có sự tiến triển đáng kể.

Mãi đến đầu thập niên 2000 mới hoàn thành mọi công đoạn cải tiến, hoàn thiện và thử nghiệm tên lửa Kh-35. Năm 2003, tên lửa này được đưa vào biên chế Hải quân Nga, thuộc thành phần của tổ hợp trên tàu Uran. Năm 2004, tổ hợp tên lửa bờ biển Bal đã được đưa vào phục vụ. Vài năm sau, Nga trình làng mẫu tên lửa nâng cấp Kh-35U với những tính năng được cải thiện và tầm hoạt động được mở rộng. Sau đó, sản phẩm này cũng được đưa vào biên chế quân đội.

Từ đầu thập niên 2000, Hải quân Nga đã mua và nhận được số lượng đáng kể tên lửa Kh-35 với nhiều biến thể khác nhau, cũng như các tổ hợp tàu chiến và bờ biển cho các loại vũ khí này. Ngoài ra, tên lửa còn được cung cấp cho 5 quốc gia khác. Trong khi đó, Việt Nam tự chế tạo phiên bản Kh-35 của mình. Một sản phẩm tương tự hiện đang được sản xuất tại CHDCND Triều Tiên nhằm phục vụ nhu cầu của chính nước này, cũng như xuất khẩu sang các nước.

Đặc tính kỹ thuật

Nhiệm vụ kỹ thuật cho dòng tên lửa Kh-35 được đặt ra có tính đến kinh nghiệm trong và ngoài nước, làm xuất hiện những yêu cầu đặc biệt và tạo ra hình thù đặc trưng của tên lửa. Khác với nhiều loại vũ khí trước đó của Nga, Kh-35 được tạo ra như một tên lửa chống hạm nhẹ và nhỏ gọn hơn với tốc độ bay cận âm. Nó được thiết kế để bù đắp cho việc giảm trọng lượng và tốc độ do tăng các thông số và khả năng khác.

Tất cả các biến thể của Kh-35 đều được chế tạo theo hình trụ với chụp rẽ dòng trong suốt vô tuyến cho phần đầu tên lửa. Trên thân tên lửa có lắp hai bộ cánh hình chữ X. Tên lửa chống hạm dùng cho tàu chiến và các tổ hợp bờ biển cũng được lắp động cơ khởi động khi tên lửa được thả. Đường kính tên lửa là 420mm, sải cánh 1,33m. Chiều dài có động cơ khởi động là 4,4m, không có động cơ khởi động là 3,85m. Trọng lượng khởi động lên đến 610kg, tùy thuộc vào cấu hình thiết bị.

Mẫu tên lửa Kh-35UE trưng bày tại triển lãm

Tên lửa chống hạm được trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cỡ nhỏ nằm ở phần đuôi tên lửa. Khe hút gió nằm dưới đáy. Bộ phận động lực đảm bảo đạt tốc độ bay Mach 0,8. Biến thể đầu tiên của Kh-35 có tầm bay lên tới 130km. Dự án Kh-35UE đã sử dụng động cơ mới có kích cỡ nhỏ hơn và thùng nhiên liệu có cấu hình thay đổi. Lượng nhiên liệu lớn hơn và mức tiêu thụ thấp hơn cho phép nó đạt được tầm bay lên đến 260km.

Tên lửa được trang bị các thiết bị điều khiển kết hợp. Kh-35 sử dụng hệ thống lái tự động được kết nối với hệ thống dẫn đường quán tính và đầu tự điều khiển radar chủ động ARGS-35. Hệ thống dẫn đường quán tính đảm bảo cho tên lửa bay tới khu vực mục tiêu, trong khi đầu tự điều khiển đảm trách việc phát hiện mục tiêu và hướng dẫn sau đó. Phạm vi phát hiện mục tiêu cách xa 20km.

Trong dự án nâng cấp Kh-35U, định vị vệ tinh đã được thêm vào các thiết bị hiện có. Sản phẩm ARGS-35 được thay thế bằng đầu điều khiển chủ động - thụ động Gran-K. Với sự hỗ trợ của đầu điều khiển này, phạm vi phát hiện mục tiêu đã được nâng lên tới 50km. Trường quan sát với khả năng theo bám mục tiêu là 130°.

Tất cả các biến thể của Kh-35 đều đưa tới mục tiêu đầu đạn xuyên phá nổ phân mảnh nặng 145kg. Đầu đạn này có khả năng tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các mục tiêu trên mặt nước có trọng tải lên đến 5.000 tấn.

Phiên bản cơ bản và đồng bộ của tên lửa Kh-35 có thể được sử dụng trên các bệ phóng khác nhau. Phương tiện mang chúng trong tổ hợp Uran là hàng chục tàu chiến thuộc nhiều dự án khác nhau, của cả Nga và cả nước ngoài. Trên bờ, Kh-35 được sử dụng cho các tổ hợp tên lửa Bal. Biến thể Kh-35U tương thích với một số loại máy bay tiêm kích và máy bay ném bom hiện đại. Ngoài ra, một biến thể nữa của tên lửa chống hạm dùng để phóng từ trực thăng cũng đã được chế tạo.

Ưu và nhược điểm

Trong các dự án tên lửa Kh-35 đều có sử dụng cả những ý tưởng mới, cũng như những ý tưởng đã được kiểm chứng. Điều này giúp chúng có được sự tương quan thuận lợi giữa các tính năng khác nhau, đồng thời sở hữu nhiều ưu điểm quan trọng. Trước hết là sự đơn giản và giá thành thấp. Do tính năng hiệu suất giảm ở mức có thể chấp nhận được, nên dễ dàng đưa vào sản xuất, triển khai và sử dụng hàng loạt. Ngoài ra, giá thành thấp góp phần vào thành công của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Tên lửa Kh-35 phóng từ tổ hợp phòng thủ bờ biển Bal

Kích thước và trọng lượng nhỏ làm cho việc bố trí tên lửa trở nên dễ dàng trên các bệ phóng khác nhau. Sự đồng bộ này giúp đơn giản hóa đáng kể việc sản xuất các loại vũ khí chống hạm. Ngoài ra, còn thu được những kết quả đáng chú ý về số lượng và sự phong phú của các phương tiện mang tên lửa. Đồng thời, trong trường hợp với những bệ phóng đặt ngoài khơi, thì cũng có thể bố trí một lượng lớn tên lửa chống hạm.

Mặc dù có tốc độ cận âm, nhưng tên lửa Kh-35 và Kh-35U vẫn cho thấy hiệu suất bay cao cần thiết để đạt được hiệu quả chiến đấu cao. Chúng có khả năng bay xa tới 260km, cũng như bay ở độ cao cách mặt nước chỉ vài mét, nên rất khó bị phát hiện và hạ gục kịp thời. Những tên lửa này cũng có khả năng cơ động cao cần thiết để hướng vào mục tiêu di động với tọa độ không được biết trước.

Cần đặc biệt chú ý đến các phương tiện điều khiển và dẫn hướng. Vì vậy, đầu tự điều khiển của mẫu tên lửa mới nhất có một số chế độ hoạt động và có thể theo bám mục tiêu từ khoảng cách lên đến 50km. Trong khi đó, đầu điều khiển chủ động - thụ động Gran-K có khả năng xác định các mục tiêu khó phát hiện, cũng như nổi bật bởi khả năng chống nhiễu cao hơn.

Tên lửa Kh-35U cho thấy xác suất bắn trúng mục tiêu cao cả trong các vụ phóng đơn và phóng loạt. Tốc độ cận âm cao, độ cao bay thấp và khả năng cơ động mạnh mà không mất khả năng theo bám mục tiêu khiến mẫu tên lửa chống hạm này trở thành mục tiêu vô cùng khó khăn đối với hệ thống phòng không trên tàu. Theo nhiều đánh giá, ít nhất 25% tên lửa dòng Kh-35 có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ hiện đại để đánh trúng tàu mục tiêu. Đối với các loại tên lửa chống hạm cận âm khác, thông số này thấp hơn.

Trong khi đó, xét về xác suất xuyên thủng hệ thống phòng thủ, thì Kh-35U thua kém đáng kể so với các tên lửa siêu thanh cỡ lớn và nặng hơn. Do vậy, cần lưu ý đặc biệt đến việc lên kế hoạch tấn công bằng tên lửa. Đặc biệt quan trọng là quy mô phóng loạt, bởi nó cho phép trực tiếp xuyên thủng hoặc gây quá tải cho hệ thống phòng không của đối phương.

Khối lượng giới hạn của tên lửa không cho phép sử dụng đầu đạn nặng hơn. Đầu đạn nặng 145kg có khả năng bắn trúng hoặc ít nhất là vô hiệu hóa hoạt động của tàu có tải trọng lên đến 5.000 tấn. Theo đó, để tiêu diệt thành công mục tiêu nặng hơn, cần phải thực hiện vài lần bắn trúng hoặc phải có một tên lửa mạnh hơn.

Một đặc điểm chưa rõ ràng của tên lửa Kh-35 phiên bản tàu chiến là không đồng bộ với các mẫu khác. Tổ hợp Uran sử dụng bệ phóng riêng, cũng như các thùng container vận chuyển và phóng không tương thích với những tổ hợp khác. Do đó, Kh-35 không thể được sử dụng trên cùng một bệ phóng với các tên lửa hiện đại khác.

Một trong những loại tên lửa tốt nhất

Xét về tổng thể các đặc tính kỹ - chiến thuật và hoạt động, thì tên lửa chống hạm dòng Kh-35 là một trong những loại tên lửa cùng loại tốt nhất của Nga. Ngoài ra, có nhiều cơ sở để khẳng định Kh-35 là một trong những loại lên lửa tốt nhất trên thế giới. Điều này được thể hiện qua mức độ chúng được sử dụng phổ biến trên thị trường vũ khí quốc tế.

Do có sự tương quan thuận lợi giữa các tính năng, nên tất cả các biến thế của Kh-35 đều cho thấy hiệu quả chiến đấu cao khi đánh trúng nhiều mục tiêu. Trong khi đó, Hải quân Nga còn có các loại tên lửa chống hạm khác với những tính năng và khả năng vượt trội. Việc sử dụng nhiều tên lửa với những bệ phóng và phương tiện phóng khác nhau cho phép tạo ra hệ thống đa thành phần linh hoạt và hiệu quả cho các mục đích tấn công hoặc phòng thủ trên bờ biển, trên không hoặc ngoài khơi. Và tên lửa Kh-35 hiện đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống này.

Quốc Khánh (theo Topwar)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiem-nang-cua-ten-lua-chong-ham-kh-35-178697.html