Tích cực chuẩn bị kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2023

Cách đây 1055 năm, Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Để kỷ niệm sự kiện trọng đại này và Lễ hội Hoa Lư năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm và lễ hội được tổ chức an toàn, thiết thực, hiệu quả, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với tình hình thực tiễn, trang trọng, tiết kiệm và có tính giáo dục cao, xứng đáng với vai trò, vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nhân dân xã Trường Yên (Hoa Lư) tham gia chỉnh trang, vệ sinh môi trường khu vực sắp diễn ra kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2023.

Nhân dân xã Trường Yên (Hoa Lư) tham gia chỉnh trang, vệ sinh môi trường khu vực sắp diễn ra kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2023.

Là hướng dẫn viên của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, mỗi dịp gần đến Lễ hội Hoa Lư, chị Phạm Thị Ánh Tuyết thêm bận rộn nhưng cũng rất vui khi có thêm nhiều đoàn khách đến tham quan. Năm nay, Lễ hội được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, nên chị Tuyết có sự chuẩn bị chu đáo hơn để giới thiệu với du khách gần xa về những giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư khi về tham quan cũng như tham dự các sự kiện.

Chị Tuyết cho biết: Chúng tôi tìm hiểu và nắm bắt chính xác về lịch sử, quá trình hình thành của Nhà nước Đại Cồ Việt để giới thiệu với du khách khi đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được tìm hiểu cụ thể, sâu sắc hơn về vùng đất một thời là đế đô danh tiếng hiện còn để lại nhiều dấu tích huy hoàng. Trong số đó, di tích tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất là Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đền thờ vua Lê Đại Hành. Hai công trình này được xây dựng và trùng tu kế tiếp nhau qua nhiều triều đại, nhưng hiện nay vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Những ngày này, việc trang trí khánh tiết, chuẩn bị sân bãi, vệ sinh môi trường cùng nhiều phần việc đang diễn ra sôi nổi, khẩn trương tại các đơn vị, địa phương, nhất là tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết: Do đặc thù Khu di tích nằm xen lẫn với khu dân cư của các thôn, xóm thuộc xã Trường Yên nên công tác vệ sinh môi trường được phát động trong toàn dân. Tự hào là người con vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử nên mọi người dân đều tham gia với tinh thần nghiêm túc và tự nguyện. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư cũng tích cực tham gia các phần việc, khẩn trương tu sửa, chỉnh trang một số hạng mục công trình nhỏ, tạo khuôn viên, cảnh quan cho Khu di tích sáng, xanh, sạch, đẹp.

Xác định Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư là di tích trọng điểm của tỉnh, thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái, nhất là vào dịp đầu xuân, cùng với nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đảm bảo chu đáo, thân thiện, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư còn đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự nhằm mang lại sự thoải mái, an toàn cho du khách.

Theo đó, Trung tâm phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, lực lượng an ninh chấn chỉnh các hành vi gây bức xúc, phiền hà cho du khách, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của di tích. Phối hợp với Công an xã Trường Yên ra quân lập lại trật tự các hoạt động dịch vụ như: bán hàng, xe ôm, chụp ảnh…; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đến nay, hoạt động của các loại hình dịch vụ đã đi vào nền nếp, thực hiện tốt theo nội quy, quy định. Công tác an ninh trật tự được thực hiện hiệu quả đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi về tham quan, chiêm bái tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Tổ chức kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2023 là sự kiện trọng đại của tỉnh. Mục đích nhằm tuyên truyền về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc tới nhân dân trong tỉnh, trong nước và bạn bè quốc tế, qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, thông qua các hoạt động kỷ niệm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cũng thông qua các hoạt động kỷ niệm và Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, về vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình tới đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Với ý nghĩa quan trọng đó, chương trình kỷ niệm và các hoạt động Lễ hội Hoa Lư được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 28- 30/4 (tức ngày 9 đến ngày 11 tháng 3 năm Quý Mão).

UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, phối hợp thực hiện, đảm bảo tổ chức các hoạt động kỷ niệm và Lễ hội trang trọng, an toàn, tiết kiệm và có tính giáo dục cao.

Với sự chuẩn bị tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tin tưởng rằng chương trình kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2023 sẽ diễn ra thành công, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

Đây không chỉ là dịp để người dân thể hiện niềm tự hào về trang sử của quê hương, đất nước, tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân, mà còn là cơ hội để du khách bốn phương được tham quan, chiêm bái và trải nghiệm nhiều di sản văn hóa mang đậm dấu ấn của quê hương Ninh Bình.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-chuan-bi-ky-niem-1055-nam-nha-nuoc-dai-co-viet-va/d2023041908141760.htm