Thụy Sỹ mở chiến dịch chống rửa tiền

Giới phê bình cho rằng chính sách hiện tại của Thụy Sỹ đã bị giới tài phiệt và tội phạm trên toàn cầu lợi dụng để che giấu quyền sở hữu tài sản...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter - Ảnh: AP/FT.

Thụy Sỹ mới đây đề xuất những biện pháp mạnh tay mới chống lại hoạt động rửa tiền ở nước này, trong nỗ lực xóa đi tai tiếng rằng quốc gia nằm ở trung tâm của châu Âu này là một “hầm trú ẩn” cho những đồng tiền bất chính - theo tờ Financial Times.

Hôm thứ Tư tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter đã công bố các biện pháp cải cách với mục đích tăng cường minh bạch và khắc phục những lỗ hổng pháp lý bằng cách yêu cầu “chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng” của các quỹ ủy thác và doanh nghiệp phải công khai danh tính. Ở thời điểm hiện tại, Thụy Sỹ là nước châu Âu duy nhất chưa có quy định đăng ký chủ sở hữu như vậy ở cấp độ quốc gia.

Giới phê bình cho rằng chính sách hiện tại của Thụy Sỹ đã bị giới tài phiệt và tội phạm trên toàn cầu lợi dụng để che giấu quyền sở hữu tài sản thông qua sử dụng các định chế và chuyên môn tài chính của nước này.

“Một hệ thống mạnh mẽ nhằm chống lại tội phạm tài chính là thiết yếu đối với uy tín và thành công lâu dài của một trung tâm tài chính có tầm quan trọng quốc tế, có độ an toàn cao, và hiện đại. Hoạt động rửa tiền gây tổn hại cho nền kinh tế Thụy Sỹ và gây mất niềm tin vào hệ thống tài chính của chúng ta”, bà Keller-Sutter phát biểu.

Thụy Sỹ, quốc gia với dân số chỉ khoảng 8,7 triệu người, là trung tâm số 1 thế giới cho việc cất giữ tài sản ở nước ngoài. Ước tính lượng tài sản nước ngoài cất trong các ngân hàng Thụy Sỹ có giá trị lên tới 2,4 nghìn tỷ USD. Cộng đồng tài chính của Thụy Sỹ cũng đóng một vai trò lớn trong việc mở và trông nom các quỹ ủy thác và các cấu trúc cất giữ tài sản ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Bà Keller-Sutter nói Thụy Sỹ có uy tín cao trên trường quốc tế về gìn giữ các tiêu chuẩn tài chính, nhưng cũng thừa nhận rằng vẫn còn “những khoảng trống”.

Thuy Sỹ đối mặt với sức ép quốc tế gia tăng trong những tháng gần đây đòi hỏi nước này phải siết chặt các biện pháp kiểm soát tài chính liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Dù Thụy Sỹ đã có sự phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) trong việc triển khai các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giới phê bình vẫn cho rằng sự tuân thủ của Bern còn lỏng lẻo.

Thụy Sỹ từ lâu là một địa chỉ kinh doanh và nghỉ dưỡng được giới giàu Nga ưa chuộng, và điều này gây ảnh hưởng bất lợi đến uy tín của Thụy Sỹ trong mắt các nước phương Tây. Hồi tháng 4 năm nay, đại sứ các nước G7 tại Bern đã gửi một bức thư trong đó nói rằng Chính phủ Thụy Sỹ làm ngơ trước nhiều lỗ hổng trong luật pháp của nước này, và chỉ trích vai trò của các luật sư Thụy Sỹ trong việc lợi dụng những lỗ hổng đó để tạo điều kiện cho việc né tránh các biện pháp trừng phạt.

Đề xuất cải cách mới được công bố đánh dấu lần thứ hai trong vòng 3 năm trở lại đây Thụy Sỹ cải tổ luật chống tội phạm tài chính của nước này. Hệ thống mới về đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của tất cả các thực thể doanh nghiệp và quỹ ủy thác đặt ở Thụy Sỹ sẽ không mở cho công chúng. Thay vào đó, hệ thống này chỉ mở cho các cơ quan giám sát, Chính phủ, cảnh sát, các ngân hàng được cấp quyền và luật sư làm công tác thẩm định chuyên sâu.

Trong đề xuất mới còn có các biện pháp thắt chặt nghĩa vụ đối với luật sư, kế toán và các nhà cung cấp dịch vụ khác ở Thụy Sỹ. Việc thắt chặt quy định này đòi hỏi họ có sự thẩm định chuyên sâu về khách hàng, lưu trữ hồ sơ, và báo cáo các hành vi nghi vấn rửa tiền lên nhà chức trách.

Các quy định mới vẫn chưa chính thức trở thành luật. Trong hệ thống chính trị dựa trên đồng thuận của Thụy Sỹ, một thời kỳ tham vấn với các đảng chính trị, các chính quyền bang, và các tổ chức dân sự, bao gồm các tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng lớn của giới ngân hàng và luật sư sẽ được tiến hành. Việc tham vấn sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, trước khi dự luật chính thức được đưa ra trước Quốc hội Thụy Sỹ vào năm tới.

Các nhà phê bình cảnh báo rằng các biện pháp cuối cùng được đưa vào thực thi có thể bị giảm nhẹ hơn nhiều so với đề xuất ban đầu. Thậm chí, ngay trong đề xuất đã gợi ý rằng việc tuân thủ các quy định mới là vấn đề “tự điều tiết” đối với các nhà cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp.

Các vụ kiện gây chú ý gần đây đã cho thấy mặt trái trong các hoạt động tài chính ở Thụy Sỹ và đặt ra mối hoài nghi về lợi khẳng định của Thụy Sỹ rằng nước này giám sát kỹ lưỡng dòng chảy tài chính bên trong biên giới của mình. Năm nay, một tòa án của Thụy Sỹ đã kết luận 4 nhà ngân hàng cấp cao tạo điều kiện cho việc rửa tiền với số tiền lên tới hàng chục triệu USD có liên quan đến Nga.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuy-sy-mo-chien-dich-chong-rua-tien.htm