Thường vụ Quốc hội bàn về nợ công: 'Có người trả nợ, sẽ dễ làm ẩu'

"Nợ công tăng nhanh là thực tế khách quan. Chúng ta khả năng thì có hạn, nhu cầu chi tiêu lớn, nhưng quyết chi tiêu theo nhu cầu trong khi tăng trưởng kinh tế thì thấp" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói như vậy khi giải trình về vấn đề nợ công tăng cao.

“Nợ công tăng nhanh là đúng rồi!”

Ngày 20.3, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nhiều thành viên đã đặt câu hỏi nợ công tăng nhanh là do luật hạn chế hay do tổ chức thực hiện, thông lệ quốc tế về vấn đề này thế nào?

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Nợ công tăng nhanh trước hết là do chúng ta. Giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đặt ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là 7,5%. Sau đó tình hình suy giảm kinh tế thế giới, chúng ta mới điều chỉnh lại mức tăng trưởng từ 6,5 đến 7%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công của Việt Nam tăng nhanh trước hết do điều hành. Ảnh: T.L

"Nhưng thực tế cả nhiệm kỳ chúng ta chỉ thực hiện đạt được 5,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế là như vậy, trong khi đảm bảo các yêu cầu khác như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị quyết của T.Ư và Quốc hội, do đó trong thời gian dài bội chi của ta rất cao" - Bộ trưởng Dũng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, việc giải ngân vốn ODA cũng tăng nhanh, và bội chi lên đến 5,6 -5,7%, là quá cao. "Theo Luật Ngân sách cũ, ngoài khoản bội chi này, chúng ta còn phát hành thêm trái phiếu chính phủ 330.000 tỷ đồng, cho nên tổng vay của cả giai đoạn là 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy nợ công tăng nhanh là đúng rồi" - Bộ trưởng Dũng nói.

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết thêm, trong điều hành, rõ ràng sự phối hợp giữa các cấp, đặc biệt là các ngành chưa ăn ý. "Chúng tôi trình phương án điều hành thống nhất tập trung, đã được Thủ tướng ủng hộ. Nhưng khi ra Chính phủ bỏ phiếu thì không thông qua nên phải theo cơ chế điều hành tập thể" - Bộ trưởng Dũng cho biết.

Lo ngại đưa nợ doanh nghiệp vào nợ công

"Nếu mở rộng đối tượng thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế."

Ông Võ Trọng Việt

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đào Quang Thu nói thêm: Vừa qua nợ công tăng nhanh chủ yếu do điều hành và sử dụng nợ công. Sử dụng nợ công liên quan đến đầu tư kém hiệu quả. “Để giải quyết vấn đề không phải ở luật này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Đầu tư của chúng ta vượt quá khả năng của nền kinh tế" - Thứ trưởng Thu cho hay.

Một trong những vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý là quy định về phạm vi điều chỉnh mà dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Dự thảo luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ nguyên quy định của luật hiện hành. Theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải khu vực công không? Nếu xếp Ngân hàng Nhà nước, DNNN vào khu vực công thì nợ của những tổ chức đó dù có bảo lãnh hay không Nhà nước cũng phải có trách nhiệm. "Khi những anh này bị phá sản thì tài sản của Nhà nước bị mất. Vì trách nhiệm và uy tín của Nhà nước thì Nhà nước cũng phải ra bảo lãnh và trả nợ. Ví dụ trường hợp Vinashin, Vinalines, nếu họ phá sản, khoản nợ để lại Chính phủ phải trả" - ông Bình bày tỏ.

Trong khi đó, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: Nếu mở rộng thêm đối tượng như nợ của DNNN vào nợ công thì rất nguy hiểm. “Nếu mở rộng đối tượng thì tạo suy nghĩ có Chính phủ lo cho rồi thì làm bừa, làm ẩu, không khéo làm loạn nền kinh tế. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng theo tôi, khoanh rõ phạm vi với 3 đối tượng như dự thảo là phù hợp” - Tướng Việt nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm, cần tính đến xử lý hậu quả khi không đưa nợ của DNNN vào nợ công, vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các khoản nợ này về bản chất Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thuong-vu-quoc-hoi-ban-ve-no-cong-co-nguoi-tra-no-se-de-lam-au-754795.html