Thượng tướng Song Hào với dấu ấn về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội

LTS: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Thượng tướng Song Hào được Đảng, Nhà nước, quân đội tin tưởng giao nhiều trọng trách và đảm nhiệm nhiều cương vị: Bí thư Trung ương Đảng; Phó bí thư Quân ủy Trung ương; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trưởng ban Kiểm tra Trung ương; Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội); Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trên cương vị Chủ nhiệm TCCT (1961-1977), đồng chí đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vững mạnh về chính trị, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của TCCT và Quân đội ta.

Bài 1: Chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị

Đồng chí Song Hào từng nhấn mạnh: Công tác chính trị (CTCT) là công tác vận động cách mạng của Đảng trong quân đội. CTCT phải là công tác của mọi người, mọi tổ chức trong quân đội, thấm sâu vào các hoạt động của toàn quân. Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT), đồng chí Song Hào luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững vàng về bản lĩnh, chủ động nhạy bén, sáng tạo, sâu sát bộ đội...

Công tác chính trị tạo sức mạnh chiến thắng

Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các cán bộ từng công tác tại Cơ quan TCCT, khi đồng chí Song Hào đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm TCCT, chúng tôi được nghe kể về những kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp của các cán bộ cấp dưới đối với thủ trưởng Song Hào. Qua đó, các cán bộ nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” như được trở về với không khí làm việc thời chiến ở Cơ quan TCCT, nổi bật là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT toàn quân của đồng chí Song Hào.

Đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng đoàn cán bộ trong chuyến công tác tại Khu 4, năm 1965. Ảnh tư liệu.

Theo lời kể của các đồng chí cán bộ từng công tác tại Cơ quan TCCT cách đây hơn nửa thế kỷ và qua biên niên sự kiện của TCCT, đầu tháng 3-1961, đồng chí Song Hào đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm TCCT, thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh, được Trung ương Đảng giao trọng trách khác. Trên cương vị mới, đồng chí Song Hào đến các cơ quan, đơn vị chức năng của TCCT gặp gỡ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ… để nắm bắt, trao đổi về tình hình, nhiệm vụ. Khi đến Cục Tổ chức, đồng chí ngồi lại khá lâu; đặc biệt là trao đổi về những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng, của quân đội và TCCT. Đồng chí nhấn mạnh, nhiệm vụ của Cục Tổ chức rất quan trọng và nặng nề, nhất là cần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Quân ủy Trung ương, TCCT xây dựng cho được Điều lệ CTCT, góp phần để trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ đều nắm chắc nhiệm vụ của mình, tạo sức mạnh tinh thần và động lực để bộ đội tự giác rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chiến đấu, dám đánh và đánh chắc thắng".

Qua hồi ức, kỷ niệm và tài liệu lịch sử, hồi ký của các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, trên cương vị Chủ nhiệm TCCT kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Song Hào luôn quán triệt tới cán bộ, nhân viên trong TCCT và đội ngũ cán bộ chính trị toàn quân, phải nắm vững những vấn đề quan trọng, chủ yếu của CTCT; nắm vững hai nội dung cơ bản của CTCT là công tác tư tưởng và công tác tổ chức; hiểu và tiến hành hiệu quả các mặt của CTCT, gồm: Tuyên huấn, tổ chức, cán bộ, bảo vệ, địch vận, chính sách, quần chúng. Đồng chí Song Hào cho rằng, CTCT trong quân đội thực chất là công tác Đảng (sau này, để phù hợp với tình hình thực tiễn của cách mạng, thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, CTCT trong quân đội được gọi là CTĐ, CTCT), mỗi cấp đặt dưới sự lãnh đạo của đảng ủy (chi bộ), sự chỉ đạo của chính ủy (chính trị viên) và cơ quan chính trị. Quá trình tiến hành CTCT phải biết vận dụng sáng tạo việc xây dựng tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với từng hoàn cảnh, lĩnh vực, từng đơn vị, từng đối tượng. CTCT phải bám sát thực tiễn, hướng về cơ sở, vận dụng sắc bén mọi hình thức, phương pháp thích hợp, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ.

Công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện CTĐ, CTCT đối với toàn quân của đồng chí Song Hào và TCCT trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là tiền đề hết sức quan trọng, là kinh nghiệm quý để tiếp tục xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị trong giai đoạn tiếp theo.

Chăm lo xây dựng phẩm chất, bản lĩnh cán bộ quân đội

Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT vẫn nhớ như in và bày tỏ sự cảm phục, ấn tượng sâu sắc về một “người anh” gần gũi, người Chính ủy Đại đoàn 308 - Quân Tiên Phong, Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam - Thượng tướng Song Hào.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại, giữa năm 1951, đồng chí Song Hào được Trung ương điều về làm Chính ủy Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đến tháng 5-1955, đồng chí được điều về TCCT, đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh chuyển sang đảm nhận công tác khác, từ tháng 3-1961, đồng chí Song Hào là Chủ nhiệm TCCT kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Quân ủy Trung ương.

Từng có thời gian công tác tại Đại đoàn 308, đến nay, trong tâm trí Trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn còn đọng mãi hình ảnh Chính ủy Song Hào luôn gần gũi uốn nắn, giúp đỡ cán bộ cấp dưới trưởng thành cả trong chiến đấu và công tác. Sau khi đồng chí Song Hào được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm TCCT, đến cuối năm 1958, đồng chí Phạm Hồng Cư cũng được điều động từ Đại đoàn 308 về TCCT, làm Trưởng phòng Tuyên truyền văn hóa, rồi Cục phó Cục Tuyên huấn, Cục trưởng Cục Văn hóa.

"Chủ nhiệm Song Hào rất quan tâm xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng Đảng trong quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ và con người của LLVT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ cách mạng" - Trung tướng Phạm Hồng Cư khẳng định như vậy khi nói về thủ trưởng của mình. Trong những năm miền Bắc xây dựng CNXH cũng như trong kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, đồng chí Song Hào luôn căn dặn chúng tôi: “Phải khéo kết hợp công tác tư tưởng-văn hóa với công tác tổ chức cán bộ, lấy xây dựng Đảng làm then chốt, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, xây dựng Quân đội ta đúng với bản chất quân đội cách mạng do Đảng lãnh đạo, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.

Rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong những nội dung công tác được đồng chí Song Hào dành nhiều trí tuệ, công sức nghiên cứu, chỉ đạo trên cương vị Chủ nhiệm TCCT và đạt được những kết quả quan trọng. Tại Hội nghị giao ban Cơ quan TCCT vào cuối năm 1961, đồng chí Song Hào lưu ý, quá trình TCCT tham mưu cho cấp trên bố trí, sắp xếp, tạo nguồn cán bộ cho cách mạng, cho quân đội, cần phải nắm vững lịch sử phát triển của người cán bộ đó; phải chú ý tới những đồng chí tham gia cách mạng sớm, chiến đấu dũng cảm, kiên cường…

Cuối tháng 12-1962, tại Hội nghị triển khai CTCT năm 1963, đồng chí Song Hào tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu của công tác cán bộ trong quân đội. Nội dung chỉ đạo này của đồng chí được thể hiện rõ trong cuốn Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ nhiệm Song Hào nhấn mạnh: “Quân đội ta có xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, của giai cấp công nhân, của Nhà nước chuyên chính vô sản hay không, có hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử của mình hay không, tùy thuộc một phần rất lớn vào đội ngũ cán bộ. Cán bộ là người trực tiếp phụ trách việc tổ chức và xây dựng quân đội, lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu và chiến thắng... Để cán bộ có đầy đủ phẩm chất theo yêu cầu của cách mạng, quân đội, TCCT phải tham mưu, hướng dẫn toàn quân làm tốt công tác cán bộ, ra sức đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, có số lượng đông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu. Chú trọng bồi dưỡng, giải quyết nguồn cán bộ, kể cả cán bộ chính trị, quân sự và cán bộ kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ; có dự trữ cán bộ cho chiến đấu. Từng cấp phải nắm chắc cán bộ thuộc quyền mình về các mặt chính trị, tư tưởng, năng lực, đạo đức và sinh hoạt; tìm mọi cách giúp cán bộ tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực hiện tốt chế độ, chính sách cán bộ…”.

Khi phát biểu tại các hội nghị của TCCT và các đơn vị, đồng chí Song Hào luôn đề cao vai trò của tổ chức Đảng (cấp ủy, chi bộ) với vai trò trực tiếp bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về bản lĩnh, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Song Hào đã phát động Cuộc vận động xây dựng “Chi bộ 4 tốt”, coi đó là yếu tố mấu chốt để tạo nên sức mạnh chiến đấu của đại đội; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ của quân đội đạt nhiều kết quả, đáp ứng yêu cầu kháng chiến; khắc phục kịp thời biểu hiện dao động, giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu tin tưởng ở thắng lợi.

Thượng tướng Song Hào thường xuyên quan tâm, quán triệt việc xây dựng bản lĩnh của người cán bộ trong quân đội. Đồng chí nhấn mạnh: “Người cán bộ trong Quân đội ta có bản lĩnh là người có đạo đức và năng lực lãnh đạo cách mạng để tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chiến thắng kẻ thù. Vì vậy, nói bản lĩnh cũng tức là nói đạo đức và năng lực hành động cách mạng, thái độ của người cán bộ đối với Đảng, với nhân dân, với đồng chí, đồng đội, với nhiệm vụ, với bản thân, với kẻ thù trong mọi hoàn cảnh, khi khó khăn cũng như lúc thuận lợi, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trong xây dựng cũng như trong chiến đấu…”.

QUANG THẮNG - MINH ANH

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thuong-tuong-song-hao-voi-dau-an-ve-cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-trong-quan-doi-514553