THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Mục tiêu giám sát nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng công tác đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước thời gian qua, từ đó đưa ra kiến nghị bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Triển khai chương trình, kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban đã yêu cầu các bộ, ngành trung ương và hơn 60 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ) xây dựng báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức khảo sát thực tiễn tại 15 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ đại diện cho các loại hình sở hữu, mô hình tổ chức và hoạt động, lĩnh vực đào tạo ở các vùng, miền trong cả nước; làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia….

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014 - 2015. Trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang, trường của bộ, ngành với 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được hoàn thiện trên tinh thần vì mục tiêu chất lượng. Tư duy, cách tiếp cận xây dựng chính sách đào tạo trình độ tiến sĩ dần thay đổi theo hướng tiệm cận với chuẩn mực của khu vực và thế giới. Việc tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định, văn bản hướng dẫn được quan tâm, tích cực triển khai, từ đó nâng cao nhận thức, tư duy về đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.

Bên cạnh đó, quy mô, năng lực đào tạo trình độ tiến sĩ của hệ thống ngày càng được mở rộng. Quy trình tổ chức và quản lý đào tạo được điều chỉnh chặt chẽ; việc tổ chức thực hiện của cơ sở đào tạo cơ bản tuân thủ nghiêm túc quy chế, quy định hiện hành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành của cơ sở đào tạo cơ bản bảo đảm đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; một số cơ sở có định hướng, chiến lược đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Trình độ, năng lực đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ, hướng dẫn khoa học ngày càng được nâng cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu

Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ ngày càng được khẳng định. Các cơ sở đào tạo tiến sĩ ở trong nước đã trực tiếp góp phần đào tạo, cung cấp lực lượng đông đảo cán bộ khoa học và công nghệ, các giảng viên, nghiên cứu viên có năng lực, trình độ cao cho các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị có nhu cầu. Nhiều tiến sĩ được đào tạo trong nước đã và đang giữ vị trí quan trọng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế và xã hội. Nhiều người đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều kết quả nghiên cứu trong quá trình đào tạo tiến sĩ là những công trình có giá trị, cung cấp luận cứ khoa học vững chắc để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nhiều đề tài, luận án tiến sĩ có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước và trên thế giới, có khả năng ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh và hợp tác, phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, từ thực tiễn đào tạo trình độ tiễn sĩ cũng cho thấy nhiều bất cập, tồn tại về khung pháp lý xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ, đặc biệt là chưa có định hướng lĩnh vực ngành nghề ưu tiên trong đào đạo trình độ tiến sĩ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trí thức và cách mạng công nghiệp 4.0. Một số cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ gia tăng quy mô tuyển sinh và đào tạo nhưng chưa tương xứng với năng lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cơ bản chưa được đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế. Việc đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ còn nhiều bất cập, không đồng đều…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu

Qua thảo luận, các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, những vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó, nguồn lực đầu tư công cho giáo dục đại học nói chung, cho đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn hạn hẹp. Chế độ, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh cũng như cơ sở đào tạo còn thấp, gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân đến từ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo trình độ tiến sĩ, việc xác định động cơ của người học, trách nhiệm của một số cơ quan quản lý trong kiểm tra, giám sát và theo dõi hoạt động đào tạo trình độ tiễn sĩ…

Trong thời gian tơi, các đại biểu cho rằng, cần tập trung nâng cao cả về số lượng và chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, tuy nhiên phải đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và khả thi, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư đào tạo trình độ tiến sĩ ở những đơn vị đào tạo có tiềm lực, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm. Song song với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và có chế tài ràng buộc trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm trong tổ chức, quản lý đào tạo và đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, giáo dục đại học là vấn đề lớn, trong đó có đào tạo trình độ tiến sĩ với mục tiêu là phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần có tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ; tăng cường đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng.

Để khắc phục những bất cập trong đào tạo tiến sĩ, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, nhấn mạnh trước mắt cần có biện pháp tháo gỡ các nút thắt, nâng cao chất lượng, uy tín xã hội của cơ sở đào tạo đi đôi với làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát, bảo đảm chất lượng đầu ra của đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc

Các đại biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa

Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được hoàn thiện trên tinh thần vì mục tiêu chất lượng

Việc tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định, văn bản hướng dẫn được quan tâm, tích cực triển khai, từ đó nâng cao nhận thức, tư duy về đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ

Bên cạnh đó, quy mô, năng lực đào tạo trình độ tiến sĩ của hệ thống ngày càng được mở rộng. Quy trình tổ chức và quản lý đào tạo được điều chỉnh chặt chẽ; việc tổ chức thực hiện của cơ sở đào tạo cơ bản tuân thủ nghiêm túc quy chế, quy định hiện hành

Qua thảo luận, các đại biểu tham dự cho rằng, từ thực tiễn đào tạo trình độ tiễn sĩ cũng cho thấy nhiều bất cập, tồn tại về khung pháp lý xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ

Một số cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ gia tăng quy mô tuyển sinh và đào tạo nhưng chưa tương xứng với năng lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cơ bản chưa được đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế. Việc đánh giá chất lượng luận án tiến sĩ còn nhiều bất cập, không đồng đều…

Trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, cần tập trung nâng cao cả về số lượng và chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, tuy nhiên phải đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, để khắc phục những bất cập trong đào tạo tiến sĩ, trước mắt cần có biện pháp tháo gỡ các nút thắt, nâng cao chất lượng, uy tín xã hội của cơ sở đào tạo đi đôi với làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát, bảo đảm chất lượng đầu ra của đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83483