Hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở Đắk Lắk bổ nhiệm không đủ điều kiện: Nhận chức trước, trả nợ bằng cấp sau

Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc nhiều địa phương tại Đắk Lắk có nhiều trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thiếu điều kiện theo quy định. Tuy nhiên sau khi thanh tra, tỉnh Đắk Lắk áp dụng hình thức kỷ luật... rút kinh nghiệm người đứng đầu và yêu cầu người sai phạm bổ sung bằng cấp còn thiếu.

Huyện Ea Súp trước đây từng có tình trạng cán bộ bổ nhiệm người nhà. Ảnh: P.V

Lãnh đạo thiếu hàng loạt tiêu chuẩn

Qua thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh Đắk Lắk phát hiện hàng loạt trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại còn thiếu điều kiện về lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và quản lý nhà nước.

Có thể dẫn chứng các huyện như Ea Kar có 23/29 trường hợp, huyện Krông Bông có 28/53, TP. Buôn Ma Thuột có 2 trường hợp đều chưa học lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Hay như tại huyện Cư M’gar có 21/47 trường hợp chưa có chứng chỉ ngoại ngữ; 9/47 trường hợp chưa có chứng chỉ tin học; 5/47 trường hợp chưa qua bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Tại huyện Ea Súp có 1 trường hợp chưa chuẩn về trình độ chuyên môn (trình độ trung cấp) và 6 trường hợp chưa bảo đảm về trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Ngoài ra, trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý giáo dục gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường học tại nhiều địa phương ở Đắk Lắk xuất hiện hàng loạt cán bộ chưa đủ điều kiện. Điển hình như ở huyện Cư M’gar có 53/160 trường hợp chưa qua bồi dưỡng quản lý giáo dục; 14/160 trường hợp chưa có chứng chỉ tin học; 51/160 trường hợp chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Tại huyện Krông Bông có 32/118 trường hợp chưa qua bồi dưỡng quản lý giáo dục; 81/118 trường hợp chưa có chứng chỉ ngoại ngữ; 38/118 trường hợp chưa có chứng chỉ tin học.

Thiếu bằng cấp chỉ cần đi học bổ sung

Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - lý giải nguyên nhân của việc nhiều lãnh đạo cấp phòng thiếu tiêu chuẩn là do văn bản luật thường thay đổi, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng chế tài sai phạm trong công tác cán bộ, dẫn đến còn tình trạng nể nang trong xử lý, khắc phục sai phạm, chủ yếu là rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, thái độ và trách nhiệm của cấp tham mưu, của người có thẩm quyền chưa cao, chưa sâu sát, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Về biện pháp khắc phục sau khi thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị thủ trưởng các đơn vị rút kinh nghiệm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý thuộc thẩm quyền.

Một lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, sau khi phát hiện nhiều cán bộ lãnh đạo cấp phòng tại nhiều nơi thiếu bằng cấp, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi UBND tỉnh với nội dung chấn chỉnh ngay về công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh.

Trước câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc xử lý như thế nào đối với những cán bộ thuộc trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại còn thiếu điều kiện về lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ và quản lý nhà nước, vị lãnh đạo này cho biết, hiện tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương cho những người này đi học để đủ tiêu chuẩn. “Chủ trương đồng ý để những cán bộ thiếu tiêu chuẩn đi học bổ sung là để ổn định tình hình chính trị tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy địa phương” - lãnh đạo Sở Nội vụ nói.

Theo nguồn tin của báo Lao Động, sau khi tỉnh Đắk Lắk tổ chức thanh tra trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc, nhiều địa phương đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Tuy vậy, nguồn tin này tiết lộ có một số địa phương chưa báo cáo đầy đủ. “Những cán bộ thiếu tiêu chuẩn lần này đều đã có thời gian công tác rất lâu, rơi vào những giai đoạn mang tính lịch sử” - nguồn tin này tiết lộ.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/hang-loat-can-bo-lanh-dao-o-dak-lak-bo-nhiem-khong-du-dieu-kien-nhan-chuc-truoc-tra-no-bang-cap-sau-635151.ldo