Thưởng thức tô mì ở độ cao 700m

Quán nằm đơn độc giữa núi rừng, được dựng đơn sơ với tấm bạt lớn, lưng là một vách đá, phía trước có kê vài chiếc bàn, ghế để khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống

Thưởng thức món mì “trứ danh” ở vị trí vô cùng đặc biệt.

“Cũng là món mì tôm hay ăn ở nhà, nhưng khi thưởng thức ở độ cao 700m, sau một chặng đường leo núi mệt lả, cảm giác nó ngon đến lạ thường”- Nguyễn Hoàng Minh Tiến, chàng trai Bình Dương chia sẻ trong hành trình chinh phục đỉnh núi Bà Đen.

Trong cái không khí se lạnh của những đợt gió bấc cuối năm, núi Bà khoác lên mình vẻ trong lành, mát mẻ, vô cùng thích hợp cho hoạt động leo núi. Dân phượt từ khắp nơi đổ về, đông nhất là vào những ngày cuối tuần, có nhóm lên đến vài chục thành viên, đa phần là những bạn trẻ, hồ hởi chinh phục nóc nhà Đông Nam bộ.

Dân leo núi thường đặt lịch trình dừng chân tại một quán ăn nằm ở độ cao 700m, để vừa nghỉ ngơi lấy lại sức, vừa thưởng thức món mì “trứ danh” ở vị trí vô cùng đặc biệt.

Cũng là mì gói bình thường được nêm nếm với gói gia vị đi kèm, bỏ thêm vài cọng hành, một ít bắp cải, nước sôi đổ vào, thêm bên trên là một quả trứng chiên, ấy vậy mà tô mì lại ngon đến lạ lùng. Ai cũng ăn một cách ngon lành, vét đến tận sợi mì cuối cùng, húp lấy miếng nước còn sót lại trong tô một cách thỏa mãn.

“Chắc người ta leo núi tới đây đã thấm mệt nên ăn gì cũng thấy ngon, chứ mì tui nấu thì bình thường như mấy chỗ khác”- ông Nguyễn Thanh Toán, chủ quán bộc bạch.

Dân leo núi thường gọi người đàn ông gần 70 tuổi có nụ cười hiền hậu cùng làn da rám nắng bằng cái tên thân thương: chú Tư núi. Nhìn vào quán ăn đơn sơ, ít người đoán được nó đã tồn tại gần 30 năm, trở thành trạm dừng chân quen thuộc của không biết bao lượt khách phượt và là một phần ký ức của nhiều người khi chinh phục đỉnh núi Bà Đen theo cung đường bộ.

“Hồi ấy khổ lắm, không biết làm gì kiếm sống nên tui mới nảy ra ý định lên đây dựng chòi buôn bán cho những người đi leo núi. Bán từ hồi mà ly hột é chỉ có 2 ngàn đồng cho tới giờ”- chú Tư kể.

Quán nằm đơn độc giữa núi rừng, được dựng đơn sơ với tấm bạt lớn, lưng là một vách đá, phía trước có kê vài chiếc bàn, ghế để khách ngồi nghỉ ngơi, ăn uống. Bên ngoài quán, chú Tư còn chu đáo đặt một thùng nước để khách thoải mái làm sạch mặt mũi, tay chân sau chặng đường leo núi đổ không ít mồ hôi.

Phía gian bếp, nồi nước to đùng lúc nào cũng sôi sùng sục được đặt trên bếp lò dựng bằng đất. Chú Tư cho biết, mỗi ngày chỉ nấu 1 nồi như thế này là đủ bán khoảng 150 tô. Mấy năm gần đây, chú còn cho thuê thêm lều, võng để những ai muốn trải nghiệm săn mây hay ngắm bình minh có thể ngủ lại qua đêm.

Cách vài ngày, cha con chú Tư lại thay phiên nhau xuống núi mua thêm đồ ăn thức uống, vật dụng cần thiết cho việc buôn bán. Leo núi thường xuyên giúp cho sức khỏe chú cũng dẻo dai hơn dù tuổi đã cao. Quanh năm gắn bó với núi rừng, chú càng yêu thêm mảnh đất này và tường tận từng điểm thú vị khi leo núi để chia sẻ cùng du khách.

Việc vận chuyển nguyên liệu lên đến đây cũng tốn không ít công sức, thế nhưng giá cả của quán lại vô cùng bình dân. Như tô mì trứng chỉ có giá 20 ngàn đồng, ly cà phê cũng chỉ 15 ngàn đồng… khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Giá rẻ, “view” xịn, quán còn thu hút bởi dáng vẻ hiền hậu, tính cách nhiệt tình, thân thiện của chú Tư.

“Nhiều người leo núi từ hồi lâu rồi đến giờ mới có dịp quay lại, họ vừa vui vừa ngạc nhiên vì tui vẫn còn bán đến bây giờ”- chú Tư tâm sự.

Cũng mì gói trứng bình thường nhưng thưởng thức ở độ cao 700m cảm giác lại ngon đến lạ thường.

Quán nằm đơn độc giữa rừng núi trở thành điểm dừng chân lý tưởng của dân leo núi.

Chú Tư được dân leo núi quý mến vì tính cách nhiệt tình, thân thiện.

Mỗi ngày, chú Tư đun một nồi nước to nấu được khoảng 150 tô mì cho khách leo núi.

Giá cả được của quán được niêm yết rõ ràng để khách khỏi sợ bị “chặt chém”.

Hòa Khang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thuong-thuc-to-mi-o-do-cao-700m-a166274.html