Thưởng thức ẩm thực món cuốn cho bữa trưa sau lễ

Sau những bữa tiệc tùng họp mặt trong hai ngày lễ 30-4 và 1-5, mọi người sẽ cần 'hạ nhiệt' bằng sự thanh đạm của một số món dễ ăn, nguyên liệu đơn giản. Theo đó, trưa ngày 2-5 chúng ta cùng chọn phong cách ẩm thực từ các món cuốn.

Nhắc đến từ cuốn trong văn hóa ẩm thực Việt Nam thì mọi người định hình chúng ở tên gọi gỏi cuốn. Cái hay của gỏi cuốn là không có công thức cố định mà tùy vào người bán chọn lựa. Đó chính là nét độc đáo mà ở mỗi vùng miền, gỏi cuốn lại có một kiểu ăn khác nhau, dựa trên nguồn sản vật địa phương sẵn có.

Tại TPHCM, gỏi cuốn có thể được tìm thấy ở mọi nơi, từ quầy bán hàng di động ven đường với ô tủ kiếng và vài chục cái gỏi nằm ngăn nắp cho đến các quán ăn, nhà hàng sang trọng. Như tên gọi, món ăn thành phẩm có được là bởi bàn tay khéo léo của người nấu khi cuốn sao cho không bị rách nát. Một cuốn gỏi ngoài cuốn đẹp, nguyên liệu tươi ngon thì nước chấm là chất xúc tác không thể thiếu. Theo đó, một số loại nước chấm thường bắt gặp trong gỏi cuốn là nước mắm chua ngọt, mắm nêm và tương bần.

Ngày nay, hòa theo dòng chảy ẩm thực, gỏi cuốn được làm mới hơn rất nhiều bởi các thức ăn kèm. Đó không phải là thịt tôm và thịt heo luộc mà có thể là thịt gà, thịt bò, thịt nướng. Và từ ý tưởng gỏi cuốn này mà có những biến thể món cuốn khác như phở cuốn, bánh ướt cuốn, bò bía hay một loại rau lấy làm vỏ để cuốn luôn món ăn.

Phở cuốn: Món ăn mang nét tinh hoa ẩm thực Hà Nội và du khách có thể thưởng thức ở bất kỳ nơi nào tại thủ đô. Để làm món ăn này, đầu bếp chọn bánh phở ưng ý, cắt khúc vừa rồi cuốn cùng thịt, rau. Thông thường, thịt cho món ăn này là thịt bò, rau thì có xà lách.

Bánh ướt cuốn: Bánh ướt là món ăn khoái khẩu của một số người nay đã được làm mới bằng hình thức cuốn. Theo đó, cách làm bánh ướt cuốn tương tự phở cuốn khi cũng dùng sợi bánh làm vỏ, cuộn rau và thịt lại. Do sợi bánh ướt có độ mỏng hơn bánh phở nên người cuốn phải khéo léo để cuốn bánh không bị rách, nát.

Bò bía: Du nhập từ Trung Hoa, bò bía dần trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực người Sài Gòn. Một cuốn bò bía truyền thống là dùng vỏ bánh pía để cuốn, nhân bên trong thì có củ sắn, cà rốt, lạp xưởng, trứng. Nước chấm cho bò bía nhất định phải là tương bần mới gọi là đúng điệu.

Rau cuốn: Thay vì dùng vỏ bánh để cuốn thì một số đầu bếp lại tận dụng các loại rau bản to, dày để làm vỏ cuốn. Sau khi sơ chế sạch, rau cho lên bàn, thêm vào thịt, rau củ ăn kèm rồi cuốn chặt lại. Do rau không có độ dẻo bám dính nhau như một số loại vỏ cuốn nêu trên nên người nấu phải dùng cọng hành lá làm dây buộc lại.

Qua những nội dung như trên, thực khách có thể có một bức tranh ẩm thực từ món cuốn đặc sắc mà không kém phần thơm ngon. Dù chỉ là một cuốn gỏi nhưng nó lại có chất xơ của rau, chất đạm của thịt, dinh dưỡng bột gạo hòa quyện vào nhau. Đây hứa hẹn là gợi ý bữa trưa thú vị cho mọi người trong ngày 2-5.

Gia Hân tổng hợp

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/thuong-thuc-am-thuc-mon-cuon-cho-bua-trua-sau-le/