Thương nhớ… trối tre

Các đường làng nay đúc bê-tông và mở rộng ra. Các hàng rào chè tàu bị chặt bỏ. Nhiều hàng tre rợp bóng nghiêng mình trên các lối đi cũng bị đào tận gốc

Mười lăm năm trước, anh Huỳnh Phương Đỏ ở TP Hội An (Quảng Nam) được một nhà đài thực hiện phóng sự về nghề tạc tượng từ những gốc tre (còn gọi là trối tre) ở phố cổ Hội An, khá ấn tượng, tạo được sự quan tâm cả trong lẫn ngoài nước.

Thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo

Cũng trên mạng internet hiện nay, nhiều "ông trối tre" ở các huyện, thị ở miền Trung đã biến các gốc tre thành các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, kiếm về hàng trăm triệu mỗi năm.

Tôi coi phóng sự về nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ và chú ý một chi tiết: Nhân vật tuy sống bằng nghề đục tượng từ những trối tre, do người dân ở các địa phương đào tre để lấy đất xây dựng ở các vùng đô thị hóa, nhưng anh lại lo lắng rằng chẳng bao lâu nữa những lũy tre sẽ không còn. Nghĩa là các hình ảnh làng quê gắn liền với nông thôn Việt Nam sẽ vắng bóng!

Thật ra, từ những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, người viết bài này đã bắt gặp ở làng nghề Cẩm Thanh và làng mộc Kim Bồng, vùng ngoại ô TP Hội An, có những người thợ học việc từ nghề mộc đã bắt đầu tạc các tượng Phật từ những gốc tre ấy rồi. Người ta đã bán mỗi tượng như vậy cho du khách với giá vài trăm ngàn đồng - như một vật lưu niệm khi đến Hội An.

Dòng sông rợp mát bóng tre

Từ chuyện tạc tượng từ những trối tre, tôi tìm đọc lại tập thơ Tre Xanh của nhà thơ Thu Bồn in tại miền Bắc năm 1970.

Anh tả những con đường quê "bồng chân sáo" thuở còn thơ ấu, những chông tre đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến, cả kỷ niệm nằm hầm bí mật, lúc nhìn lên lỗ thông hơi vẫn chỉ thấy những cành tre ở làng quê thân thuộc… Tuy vậy, không thấy dòng nào của anh viết về cái trối tre mà cả thơ ấu của anh và tôi từng chứng kiến.

Những người nông dân khi phá một bụi tre trong vườn, thường phải đánh lên những gốc tre cũ đem phơi khô, rồi dùng cái búa bửa trối tre ra làm đôi, phơi nắng hoặc gác lên chồ bếp, cất trữ để dùng làm chất đốt trong những ngày mưa gió, hoặc làm củi cho nồi bánh tét cuối năm.

Lại đọc trong bài "Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy mới thấy có mấy câu liên quan là cái gốc truyền đời cho măng:

"Thương nhau tre không ở riêng,

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.

Chẳng may thân gãy cành rơi,

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng"…

Nhà báo Thép Mới trong tùy bút "Cây Tre Việt Nam" thì chẳng đá động gì đến cái trối tre. Đến Nguyễn Tuân trong "Cây tre bạn đường" thì có hai lần nhắc đến GỐC TRE GIÀ làm đế đôi hia trong tuồng Bình Định và "gốc tre bụi là nơi truyền khí trời xuống hầm sống" cho những hầm bí mật trong chiến tranh ở Việt Bắc.

Thì ra, người ta chỉ chú ý đến công dụng nhiều mặt đối với con người của loài tre khi đã vươn lên khỏi mặt đất, còn cái trối tre thì chỉ phớt qua vậy thôi, mặc dù vai trò và số phận của chúng lại vô cùng ý nghĩa.

Tôi đi nhiều vùng nông thôn đang ào ạt xây dựng "nông thôn mới" và cả "nông thôn mới kiểu mẫu". Sau đó lại đến phong trào đô thị hóa để nâng một huyện nông nghiệp lên thị xã và các xã nông thôn mới lên phường. Thấy ở đó, các đường làng đúc bê-tông và mở rộng ra. Các hàng rào chè tàu bị chặt bỏ. Nhiều hàng tre rợp bóng nghiêng mình trên các lối đi cũng bị đào tận gốc.

Nâng giá trị tre Việt

Một lần, thấy đau lòng, tôi từng hỏi anh bạn chủ tịch UBND một xã nọ: "Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bạn có thấy dòng nào nói phải chặt bỏ các hàng tre ấy không?".

Anh bạn không trả lời được và đành nói lảng: "Để về coi lại!". Từ bấy đến nay, chẳng rõ anh đã coi lại chưa nhưng anh hay tránh gặp tôi.

Tre từ nông thôn chuyển về đô thị

Nghệ nhân Võ Tấn Tân là người sản xuất hàng mỹ nghệ từ tre, ở TP Hội An, từng được mời tham dự và đọc cả tham luận tại Hội nghị Tre thế giới năm 2022, tổ chức ở tỉnh Bình Dương. Tham vọng của anh Võ Tấn Tân là nâng giá trị của cây tre Việt bằng các sản phẩm có hàm lượng sáng tạo cao hơn.

Để thực hiện điều đó, anh phải lặn lội ra các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, sang cả vùng biên giới Lào, Thái Lan để tìm mua tre về làm nguyên liệu. Anh nói: Bây giờ ở Quảng Nam tìm mua cây tre thật khó. Nhiều vùng trước đây vốn nhiều tre nay đã trở thành nông thôn mới hoặc "lên phường" cả rồi nên người ta đã hạ hết tre, còn các lũy tre ven sông chống xói lở thì không biết ai là chủ cụ thể, nên mình cũng chẳng biết mà mua.

Tre từ nông thôn chuyển về đô thị

Một hôm tôi về quê, lang thang trên những con đường làng nay đã là đường bê-tông, chợt phát hiện hai đống trối tre đã bị đốt cháy sém. Một bác nông dân than rằng giờ tìm cái trối tre để dành nấu bánh tét cũng "đỏ con mắt".

Chung quanh chỗ tôi đứng, trên con đường mới, trước mỗi ngôi nhà là những hàng rào "đồng phục" xi-măng, sắt thép. Không một bóng cây tỏa bóng mát vốn có ở các vùng nông thôn cũ!

Sẽ trở thành cổ tích

Tục ngữ Việt thường nhắc câu "Tre già măng mọc" có một hàm ý sâu rộng. Măng sẽ mọc trên những gốc trối tre mà tiếp tục xanh tốt. Những thế hệ trẻ sẽ tiếp nối các nền tảng văn hóa - đạo đức truyền thống của cha ông mà giữ gìn và phát triển gia phong. Và đó cũng chính là nền tảng của làng nước.

Tôi chạnh nghĩ đến những gốc trối tre, như là một nền tảng vững chắc ấy để những lớp măng non sẽ từ đó mọc lên. "Em là búp măng non… Em lớn lên trong mùa cách mạng…" được vẽ ra trong biểu tượng của các đoàn thể thiếu niên nhi đồng và lời bài hát của các cháu rồi sẽ ra sao, nếu hình ảnh của những hàng tre đã bị đào luôn cả gốc trối?

Những trối tre xù xì này sẽ được nghệ nhân làm thành các sản phẩm mỹ nghệ

Hình ảnh cây tre Việt Nam sẽ trở thành cổ tích, thì còn đâu là những búp măng non?

Đứa cháu tôi năm nay lên lớp cuối của bậc tiểu học. Một hôm cháu hỏi tôi:

- Nội ơi, măng non là cây gì vậy?

- Là cây tre mới mọc trên cái gốc trối của cây tre già.

- Vậy cái gốc trối ấy ở đâu vậy nội?

Chẳng lẽ tôi phải trả lời với cháu rằng người ta đã đốn hết tre và đào luôn cả những gốc trối rồi hay sao?

Bởi vậy, tôi đã thở dài trước câu hỏi của trẻ nhỏ và tự nói thầm với chính mình: Thôi thì hãy tìm trong cổ tích vậy! Và tôi chạnh nhớ tới nghệ nhân tạc tượng từ gốc trối tre Huỳnh Phương Đỏ và tâm sự của anh: "Còn đâu những làng quê với hình ảnh của những lũy tre xanh?".

Bây giờ người ta còn có thể quên cả cái tên làng cũ khi đặt tên một làng mới, thì sá gì cái trối tre kia?

Không gian sống ở các địa phương "nông thôn mới" đã thay đổi. Nhà ở từng là "trước cau sau chuối" và những bụi tre quen thuộc ở góc vườn nay đã khác. Không gian sống khác xưa cùng với những căn hộ "nhà ống" mới xây dựng sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm tính, tâm lý nào ở người nông dân, như các nhà nghiên cứu từng cảnh báo?

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuong-nho-troi-tre-196240413232240162.htm