Thương hiệu, chất lượng là yếu tố tạo nên sức mạnh cạnh tranh

Đó là ý kiến chia sẻ thẳng thắn của ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á nói về cuộc chiến thương mại trong thời gian gần đây.

Cung vượt cầu gấp 2 lần

Với kinh nghiệm là người chèo lái con thuyền thép lá mạ (tôn) có sản lượng sản xuất kinh doanh và uy tín hàng đầu thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Trung cho biết: Các năm trước đây tỷ lệ xuất khẩu (XK) tôn của Việt Nam rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng công suất tiêu thụ (khoảng trên 1,5 - 2 triệu tấn/năm) và chủ yếu XK sang thị trường Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ và các nước khu vực Nam Á, châu Phi… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu (NK) cũng tương đương, với khoảng 2 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, sản lượng tôn NK chủ yếu đến từ Trung Quốc là hàng giá rẻ như: tôn mạ màu, mạ lạnh, mạ kẽm. Trong phần NK, Việt Nam có phần tạm nhập tái xuất để xuất đi Lào, Campuchia, Myanmar…

Quang cảnh nhà máy của công ty

Với sản lượng tôn NK kể trên cho thấy báo động đỏ về miếng bánh thị phần tại thị trường nội địa. Song, công suất trong nước hiện nay lại rất lớn, (kể cả đã đi vào sản xuất và đang đầu tư xây dựng dở dang…) khoảng 8 triệu tấn. Trong khi, tổng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 4 – 5 triệu tấn. Như vậy, cung vượt cầu gấp khoảng hai lần. Phải nói thêm, kinh doanh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung diễn ra ngày càng gay gắt như hiện nay đã tác động trực tiếp và thiệt hại nhiều nhất vẫn là các sản phẩm về tôn, sau đó đến ô tô, xăng dầu. Đối đầu với khó khăn đó, Trung Quốc tìm đường XK mạnh sang Việt Nam nên doanh nghiệp (DN) trong nước dù có làm rất tốt thị trường cũng khó có thể cạnh tranh được với tôn giá rẻ NK.

Nỗi lo kép từ “thị trường, cơ chế”

Chưa hết lo về sức ép thị trường do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, mới đây, các DN lại đang dấy lên một nỗi lo nữa bởi Bộ Tài chính đã có Công văn số 8745/BTC-CST xin ý kiến Chính phủ về dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP dự kiến tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Trên thực tế, hiện nay nguồn cung nguyên liệu thép cuộn cán nóng từ Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, và tương lai gần cả Hòa Phát cộng lại là cung ứng được khoảng 40% cho nhu cầu nội địa, còn lại 60% có thể NK từ các nước như Nhật Bản, châu Âu, Ấn Độ… Được biết, hiện tại, nguồn cung trên thế giới đã vượt cầu và giá bán cũng khá cạnh tranh. Vì vậy, nếu việc tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5% được thực thi cũng không làm hạn chế được mà nguy cơ còn gia tăng sản lượng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 của Trung Quốc NK mạnh vào Việt Nam, từ đó sẽ làm ngành sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép đang khó khăn sẽ chồng chất thêm khó khăn, làm giảm khả năng cạnh tranh của đa số DN sản xuất tôn mạ, có thể làm thị trường HRC nội địa bị xáo trộn và tác động tiêu cực đến định hướng phát triển của ngành thép Việt Nam. Do đó, việc tăng thuế suất MFN là chưa phù hợp và sẽ gây thêm nhiều tác động tiêu cực đến các DN sản xuất tôn mạ và ống thép trong nước.

Dây chuyền mạ màu của công ty

Rào cản đủ mạnh mới tạo sự khác biệt

Kinh nghiệm từ nước Mỹ, khi nhận được thông tin phản ánh từ một số nhà sản xuất tôn thép hàng đầu trong nước, nếu lượng tôn thép NK tăng nhanh gấp nhiều lần so với tăng trưởng sản lượng sản xuất trong nước thì, ngay lập tức, Chính phủ Mỹ xem xét đây là vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sẵn sàng ra quyết định áp thuế tự vệ tới 25% với hàng NK - làm hàng rào bảo vệ mà không cần nghiên cứu thị trường. Đây chính là sự khác biệt giữa các nước khi áp dụng thuế tự vệ hay hàng rào thuế quan. Sự khác biệt đó đã bảo vệ thực sự hiệu quả cho các DN sản xuất của nước Mỹ.

Còn, tại Việt Nam, ví như vừa qua, để ra được một Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời cho sản phẩm tôn NK từ Trung Quốc chỉ từ 3,45% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,48% đến 19,25%, Bộ Công Thương đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu hồ sơ của các nhà sản xuất, XK của Việt Nam mới đưa ra được quyết định trên. Mức áp thuế đó phần nào đã động viên tinh thần DN sản xuất trong nước nhưng vẫn chưa giải tỏa sự mong đợi bởi mức thuế áp dụng quá thấp, chưa thực sự tác động hiệu quả khi sản lượng tôn NK vào Việt Nam quá nhiều với sản phẩm giá rẻ.

Nếu áp thuế 5%/đơn vị sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam với giá chỉ khoảng 30USD thì tôn Trung Quốc bán tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn nhiều so với nhà sản xuất Việt Nam từ trên 50 – 150 USD.

Ông Trung cho rằng, trong tình hình khó khăn như hiện nay, DN thép lá mạ Việt Nam vẫn phải vùng vẫy trong cuộc chiến cạnh tranh với hàng giá rẻ để mong tồn tại. Hàng giá rẻ NK mạnh vào Việt Nam thiệt hại cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng vì mua được giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm lại nhanh xuống cấp, gây tổn hại lớn tới chất lượng công trình trong thời gian ngắn.

Tôn Đông Á - Chất lượng tiên phong

Thương hiệu, năng lực thể hiện sự vững vàng

Chia sẻ về tình hình hoạt động hiện nay của công ty, ông Trung cho rằng: Đối với Tôn Đông Á, không phải đến nay thị trường khó khăn mới chuẩn bị bài toán gỡ khó. Ngay từ những ngày đầu xây dựng, công ty đã chủ động đầu tư nhà máy lắp đặt thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại cho tổ chức sản xuất, cũng như cách quản trị đạt chuẩn quốc tế, sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây do tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng XK của công ty, giảm khoảng 25% so với 50% của tổng sản lượng XK như trước đây, 75% sản lượng còn lại trong đó có một phần công ty XK gián tiếp - đó là những sản phẩm cuối cùng để tạo nên công trình hoàn chỉnh được các Việt Nam XK đi nước ngoài.

Để giảm sức ép cạnh tranh cho ngành thép, rất cần các rào cản đủ mạnh. Đồng thời, các DN cũng kiến nghị khẩn tới các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế MFN đối với nhóm thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5% và chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.

“Với kiên định và mục tiêu hướng đến sản phẩm hoàn thiện, chất lượng cao nên sản phẩm của Tôn Đông Á tiêu thụ trong nước chỉ bị tác động chứ không cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc chất lượng thấp, giá rẻ”- ông Trung chia sẻ.

Để thực hiện hoàn hảo bài toán kinh doanh trên là việc làm không hề đơn giản với mỗi DN trong bối cảnh thị trường đầy xáo trộn như hiện nay. Tôn Đông Á chọn con đường phát triển bền vững bằng việc tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại cho tổ chức sản xuất, quản trị điều hành, cơ cấu lại thị trường, tăng chủng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục xây dựng cấu trúc, đào tạo kỹ năng tốt cho cán bộ công nhân viên để tạo ra được bộ sản phẩm phong phú cho người tiêu dùng cuối cùng và sản phẩm chất lượng cao cho ngành chế tạo thiết bị gia dụng. Đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thay thế được phần lớn sản lượng tôn mạ nhập khẩu cho ngành thiết bị gia dụng nội địa và XK”.

Ông Trung cũng cho rằng, Tôn Đông Á xác định chiến lược rất rõ ràng, không ngại sự cạnh tranh bởi, cạnh tranh là lẽ tất yếu của thị trường, nhờ đó mới giúp DN phát triển, giữ bản sắc để tạo uy tín, giá trị tham chiếu trên thị trường của thương hiệu. Đặc biệt, thị trường càng khó khăn sẽ giúp người tiêu dùng càng có lợi thế lựa chọn cho việc sử dụng hàng chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Kim Tuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-hieu-chat-luong-la-yeu-to-tao-nen-suc-manh-canh-tranh-124706.html