Thượng đỉnh G-8, G-20 tại Canada: Thay đổi vai trò và trách nhiệm

Thiếu hẳn sức sống như những lần họp trước và vai trò chính trị đang dần “lép vế” so với G-20, nhiều ý kiến cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G-8 năm nay có thể được xem là hội nghị lần cuối cùng của nhóm các nước công nghiệp phát triển.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang có những bước phục hồi sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 nhưng với tốc độ khác nhau, lãnh đạo 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới tụ họp ở khu nghỉ mát Deerhurst gần thị trấn Huntsville, Ontario (Canada) hôm qua trong nỗ lực khôi phục sức mạnh của nhóm này. Với sự thay thế của G-20, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong vai trò là diễn đàn thảo luận các vấn đề từ kinh tế đến an ninh, hội nghị G-8 năm nay tổ chức ngay trước hội nghị G-20 được xem là bước đệm chuyển giao và hoạch định lại vai trò chính của hai thể chế kinh tế toàn cầu này. Tổng thống Mỹ Obama gần đây cũng khẳng định, các vấn đề kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ được G-20 thay G-8 giải quyết và G-20 sẽ trở thành thể chế kinh tế toàn cầu quan trọng nhất. Trong hai hội nghị thượng đỉnh liên tiếp, nước chủ nhà Canada phân công nhiệm vụ rõ ràng, G-8 sẽ giải quyết những vấn đề chính trị, an ninh như tình hình Afghanistan, khủng hoảng hạt nhân Iran, Triều Tiên, hải tặc, y tế, môi trường và chống khủng bố. Tiếp đó, G-20 tập trung thảo luận đến các nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới, mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các chính phủ và người dân toàn cầu. Dự kiến mời thêm 10 quốc gia từ các khu vực khác nhau trên thế giới tham gia ngày họp thứ hai thượng đỉnh G-8, giới chức nhóm này muốn tiếp tục duy trì và củng cố vai trò của mình trước sức ép từ G-20. Thành công của hội nghị G-20 năm nay đang đứng trước nhiều thách thức khi chưa bao giờ quan điểm phát triển kinh tế giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế mới nổi lại xa nhau đến vậy. Trong khi Mỹ đang thuyết phục các nước duy trì phục hồi kinh tế, không nên cắt giảm chi tiêu quá mạnh và sớm rút các gói cứu trợ thì EU coi “thắt lưng buộc bụng” là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn nợ công ngày phình to. Thậm chí, Chủ tịch EU ông Herman Van Rompuy còn tuyên bố nếu G-20 không đồng ý với các biện pháp thặt chặt chi tiêu thì EU vẫn “tự mình thực hiện”. Đứng trước các thử thách mới, với việc thay đổi vai trò và trách nhiệm thế giới hy vọng các nước thành viên G-8 và G-20 sẽ dẹp bỏ bất đồng, tìm ra con đường chung hướng tới sự thịnh vượng cho người dân trên toàn thế giới. Hà Anh

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/thegioi/Thuong-dinh-G8-G20-tai-Canada-Thay-doi-vai-tro-va-trach-nhiem/20106/99945.datviet