Thương binh xã Khải Xuân làm theo lời Bác

PTĐT - Mang trong mình tàn tích khốc liệt của chiến tranh với mảnh đạn găm trong phổi, thương binh Hoàng Ngọc Quân, ở khu 11, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba

Xưởng sản xuất hương trầm của ông Quân hiện đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương.

PTĐT - Mang trong mình tàn tích khốc liệt của chiến tranh với mảnh đạn găm trong phổi, thương binh Hoàng Ngọc Quân, ở khu 11, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba đã vượt lên mọi khó khăn, mạnh dạn đầu tư vào nghề sản xuất hương trầm. Với ông Quân, lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế” đã trở thành động lực thôi thúc ông sống và cống hiến.

Năm 1975, vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Hoàng Ngọc Quân lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường ở biên giới Campuchia. Sau 9 năm, ông xuất ngũ trở về địa phương, nhận se hương thủ công và đóng gói thuê. Tuy nhiên, số tiền làm thuê ít ỏi không giúp ông trang trải được cuộc sống gia đình. Với những trăn trở quyết tâm vươn lên thoát cảnh đói nghèo, ông quyết định mở xưởng sản xuất hương trầm, mạnh dạn đầu tư vốn mua máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất và thuê công nhân làm việc.

Với tinh thần ham học hỏi, ông đã tìm đến làng nghề làm hương trầm ở tỉnh Hà Tây (cũ) để học tập cách làm kết hợp với những kinh nghiệm đã có để về truyền đạt lại cho nhân công tại xưởng cách để tạo ra một cây hương chất lượng. Theo ông Quân, làm hương phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong các khâu làm. Ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên liệu để mùi hương ngày càng thơm, dịu ngọt. Hương liệu được ông sử dụng chủ yếu là bột các loại gỗ quý và thuốc bắc. Vì vậy, khi hít vào sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau khi hoàn thành một mẻ hương, ông đều thắp thử trước để kiểm tra, nếu mẻ hương đó bảo đảm chất lượng thì mới đưa ra thị trường để giữ uy tín.

Ông Quân dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên liệu để mùi hương ngày càng thơm, dịu ngọt.

Hiện nay, xưởng của ông tạo việc làm cho khoảng 15 lao động, đều là những người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, thu nhập trung bình mỗi người khoảng 4-5 triệu đồng/ tháng. Mỗi tháng, xưởng sản xuất được khoảng 1.500 bó hương, có giá từ 5.000 đến 55.000 đồng/bó. Ông Quân cho biết: “Tôi xác định mình là một thương binh, không chỉ trong lúc chiến tranh mà thời bình cũng muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa. Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, tôi còn muốn đóng góp vào sự phát triển của quê hương, xã hội”.

Hương trầm được sản xuất chủ yếu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 12 âm lịch nhưng nguồn nguyên liệu thì đã được ông chuẩn bị thu mua từ những tháng đầu năm. Với chất lượng tốt, hương của gia đình ông được nhiều nơi biết đến, đặt hàng. Ông Tạ Vương Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Khải Xuân cho biết: “Đây là một mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của thương binh, làm tấm gương sáng trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cần được tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã, ông Quân cũng đã có nhiều đóng góp trong việc xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống người dân và xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202008/thuong-binh-xa-khai-xuan-lam-theo-loi-bac-172410