Thuốc trị viêm xoang mạn tính không có polyp mũi

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa phê duyệt thuốc xịt mũi Xhance (fluticasone propionate) để điều trị viêm xoang mạn tính không có polyp mũi, ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.

Viêm xoang mạn tính, căn bệnh làm suy giảm chất lượng sống người mắc

Viêm xoang mạn tính (còn gọi là viêm mũi xoang mạn tính hay CRS) là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất. Căn bệnh này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người mắc như các tình trạng mạn tính nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đau thần kinh tọa hoặc đau nửa đầu…

Mặc dù có những loại thuốc được FDA phê chuẩn để điều trị polyp mũi, bao gồm cả Xhance, nhưng cho đến nay, chưa có loại thuốc nào được phê duyệt cho hơn 2/3 số bệnh nhân viêm xoang mạn tính không có polyp mũi.

Viêm xoang mạn tính là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất.

TS. Rick Chandra, Đại học Vanderbilt cho biết: "Cho đến nay, chúng tôi buộc vẫn phải sử dụng thuốc xịt mũi steroid cho nhóm bệnh nhân này, mặc dù chưa được chứng minh là có hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng lớn có đối chứng với giả dược".

Những người không bị viêm xoang mạn tính có thể không đánh giá được mức độ nặng nề của tình trạng này. Hơn 80% bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính cho biết, họ cảm thấy thất vọng với việc giảm triệu chứng khi sử dụng thuốc xịt mũi steroid phân phối tiêu chuẩn và bệnh nhân thường sử dụng nhiều loại thuốc không kê đơn chưa được chứng minh làm giảm triệu chứng.

Mặc dù viêm xoang mạn tính là một trong những chẩn đoán phổ biến nhất khi đến khám bác sĩ ngoại trú và có sẵn phẫu thuật, nhưng chưa có loại thuốc kê đơn nào được FDA chấp thuận là an toàn và hiệu quả để điều trị cho hàng triệu bệnh nhân không bị polyp mũi mắc phải căn bệnh suy nhược này.

Liệu pháp đầu tiên và duy nhất cho người viêm xoang mạn tính không có polyp mũi

Xhance là liệu pháp đầu tiên và duy nhất cho người viêm xoang mạn tính không có polyp mũi.

Xhance hiện đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân CRS cả có và không có polyp mũi; là thuốc tiềm năng trở thành một phần của tiêu chuẩn chăm sóc điều trị viêm xoang mạn tính. Xhance là sản phẩm kết hợp thuốc - thiết bị sử dụng hệ thống phân phối thuốc thở ra (còn được gọi là EDS), được thiết kế để cung cấp steroid tại chỗ đến các vùng cao và sâu của khoang mũi.

Việc phê duyệt dựa trên dữ liệu từ chương trình ReOpen đánh giá Xhance để điều trị cho người lớn bị viêm xoang mạn tính. Là một sản phẩm kết hợp thuốc - thiết bị, Xhance kết hợp một loại steroid (được sử dụng rộng rãi) với Exhalation Delivery System (hệ thống phân phối thuốc cải tiến, được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các vị trí xảy ra tình trạng viêm, đặc biệt là các xoang khó tiếp cận và các đường dẫn lưu xoang, thường không được tiếp cận bởi thuốc xịt mũi phân phối tiêu chuẩn).

Hồ sơ an toàn và khả năng dung nạp của Xhance đối với bệnh nhân trong các thử nghiệm ReOpen nhìn chung phù hợp với hồ sơ an toàn được dán nhãn hiện tại của thuốc.

Một số lưu ý khi dùng thuốc

- Các phản ứng bất lợi phổ biến nhất trong chương trình ReOpen là chảy máu cam, nhức đầu và viêm mũi họng. Bên cạnh đó, có thể xảy ra các phản ứng bất lợi tại chỗ ở mũi, bao gồm loét, thủng vách ngăn, nhiễm nấm Candida albicans và khả năng lành vết thương kém. Do đó, theo dõi bệnh nhân định kỳ để phát hiện các dấu hiệu thay đổi có thể xảy ra trên niêm mạc mũi. Tránh sử dụng thuốc ở những bệnh nhân bị loét mũi gần đây, phẫu thuật mũi hoặc chấn thương mũi cho đến khi vết thương lành lại.

- Không dùng thuốc cho người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Xhance.

- Dùng lâu dài tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Do đó, cân nhắc khám chuyên khoa nhãn khoa ở những bệnh nhân có các triệu chứng ở mắt hoặc sử dụng Xhance lâu dài.

- Phản ứng quá mẫn (ví dụ như sốc phản vệ, phù mạch, nổi mề đay, viêm da tiếp xúc, phát ban, hạ huyết áp và co thắt phế quản) đã được báo cáo sau khi dùng fluticasone propionate. Ngừng Xhance nếu phản ứng như vậy xảy ra.

- Thuốc có thể gây ức chế miễn dịch, nhiễm trùng bao gồm khả năng tăng nhạy cảm hoặc làm nặng thêm các bệnh nhiễm trùng sẵn có (ví dụ như bệnh lao hiện có; nhiễm nấm, vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng; herpes simplex ở mắt). Sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng này. Các đợt thủy đậu hoặc sởi nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí gây tử vong có thể xảy ra ở những bệnh nhân nhạy cảm.

- Cường vỏ thượng thận và ức chế tuyến thượng thận có thể xảy ra khi dùng liều rất cao hoặc dùng thường xuyên ở những người nhạy cảm. Nếu xảy ra cần ngừng thuốc từ từ...

- Đánh giá sự mật độ xương ban đầu và định kỳ sau đó.

- Không nên dùng cùng thuốc ức chế cytochrome P450 3A4 mạnh (ví dụ ritonavir, ketoconazole), vì có thể làm tăng nguy cơ tác dụng corticosteroid toàn thân.

Viêm mũi dị ứng khi giao mùa.

Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-viem-xoang-man-tinh-khong-co-polyp-mui-16924031915463929.htm