Thuốc lá nhập lậu chứa chất độc hại vượt mức

Các kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về "Chống buôn lậu-giải pháp trong những tháng cuối năm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức chiều 14/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Trung tướng Đồng Đại Lộc cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp, trong đó có mặt hàng thuốc lá lậu.

Hoạt động buôn lậu thuốc lá, mỗi năm phát hiện và bắt giữ hàng nghìn vụ, gây thiệt hại đến 10 nghìn tỷ đồng. Riêng lực lượng Công an, mỗi năm, phát hiện bắt 4.000 vụ buôn lậu thuốc lá thu giữ khoảng 9 triệu bao thuốc lá. Hoạt động này diễn ra vẫn phức tạp, diễn ra cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường không.

Ở tuyến đường bộ phía Bắc tập trung vào các tỉnh: Lào cai, Cao Bằng và Quảng Ninh; tuyến miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình; còn phía Nam Bộ thì tập trung ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... Đây là những tuyến đường trọng điểm của các đối tượng buôn lậu.

Riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng, theo Đại tá Nguyễn Xuân Bắc, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ban hành Kế hoạch số 964 nhằm huy động tổng lực các lực lượng đấu tranh với hoạt động buôn lậu thuốc lá qua biên giới.

Kết quả, số đối tượng buôn lậu thuốc lá bị phát hiện bắt giữ giảm, nhưng số lượng tang vật tăng. Do lực lượng Biên phòng đã tập trung đánh vào các chủ hàng lớn, thu giữ số lượng tang vật lên đến hàng chục nghìn bao thuốc lá.

Buôn lậu thuốc lá tăng nhanh vì siêu lợi nhuận, chỉ đứng sau ma túy Ảnh: Internet

Còn ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam thẳng thắn nói: Trong các mặt hàng buôn lậu thì thuốc lá là mặt hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển và có mức chênh lệch giá cao nhất. Theo tính toán của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá gấp khoảng 4,5 lần, có thể nói là siêu lợi nhuận do đó tình hình buôn lậu thuốc lá tăng nhanh.

Theo số liệu của hiệp hội đưa ra, mỗi năm buộn lậu thuốc lá khoảng 1 tỷ bao và làm thất thu ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng, làm mất việc làm của khoảng hơn 1 triệu người nông dân trồng cây thuốc cũng như công nhân sản xuất thuốc lá.

Tuy nhiên, yếu tố không kém phần quan trọng theo ông Cường đó là, thuốc lá nhập lậu không được kiểm tra về chất lượng sản phẩm. Các kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế.

"Thủ tướng Chính phủ đã ra một Chỉ thị riêng về chống buôn lậu thuốc lá. Với sự ra đời của chỉ thị 30 CT-TTg ngày 30/9/2014 và sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trên cả nước tình trạng buôn lậu thuốc lá đã có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 tới nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại diễn biến gia tăng và ngày càng phức tạp.

Một trong những vấn đề đặt ra đó là chế tài xử lý hiện này còn nhiều bất cập chồng chéo, nhất là quy định mới đây trong Bộ Luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) đã tạo nhiều kẻ hở cho buôn lậu ngày càng phát triển', ông Cường khẳng định và dẫn chứng luôn: Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được BLHS 2015 điều chỉnh tại Điều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp theo các tiêu chí: lớn, rất lớn, và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như vốn đã quy định trước đây tại BLHS 1999.

Hơn nữa, Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tại BLHS 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng.

Ông Cường cho rằng, mức 100 triệu đồng này là quá cao so với quy định cũ, nên tính răn đe sẽ giảm đi rất nhiều. Do mức tối thiểu để bị xử lý hình sự tăng tới 4,4 lần so với luật hiện hành nếu tính giá bán buôn trung bình là 15.000/bao.

Nói về thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu thuốc lá, Trung tướng Đồng Đại Lộc cho biết, buôn lậu thuốc lá hình thành đường dây từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có khả năng có sự móc nối với các đối tượng từ trong nước.

Phần lớn, thủ đoạn của bọn buôn lậu là tập kết hàng ở ngoại biên sau đó lợi dụng địa hình vùng biên có nhiều sông ngòi, đường mòn, lối mở… thuốc lá lậu được tập kết bên kia biên giới, sau đó vận chuyển nhỏ lẻ về Việt Nam, rồi về các trung tâm lớn, đặc biệt là phía Nam có địa bàn TP. HCM và phía Bắc có địa bàn Hà Nội, miền trung là đưa về Đồng hới... Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả để cướp lại hàng.

Hải Yến

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thuoc-la-nhap-lau-chua-chat-doc-hai-vuot-muc-post213786.info