THÙNG RỖNG KÊU TO

'Đúng như các cụ nói, cái thùng rỗng thường kêu to. Quảng bá rầm rộ, giới thiệu đình đám là phim 'hoành tráng', thế mà xem xong, chỉ thấy vui vui mắt chút ít rồi chả thấy đọng lại gì cả'. Vừa gặp tôi, một cô bạn đồng nghiệp chuyên theo dõi mảng phim ảnh, giải trí của một tờ báo, đã than phiền như vậy.

Lời đồng nghiệp than phiền cũng là nỗi trăn trở của những người làm điện ảnh chân chính hiện nay. Thời gian qua, trước khi phát hành, nhiều đoàn làm phim đã có hẳn một chiến dịch quảng bá, “PR” rất bài bản như tổ chức họp báo, giới thiệu quá trình làm phim, đẩy trailer lên mạng xã hội, sáng tác bài hát theo phong cách sôi động tung lên youtube để câu khách. Trước khi xuất hiện ở rạp chiếu phim ít ngày, hàng loạt bài báo ra đời tung hô bao lời “có cánh” như: Kịch bản hấp dẫn, tình huống xung đột gay cấn, dàn diễn viên trẻ đẹp, cảnh quay tuyệt mỹ, kỹ xảo hiện đại…. Công chúng yêu điện ảnh, nhất là giới trẻ, vốn nhẹ dạ cả tin dễ bị mê hoặc bởi những lời đánh bóng mỹ miều trên báo chí và mạng xã hội nên đã ùn ùn kéo nhau đến rạp xem phim.

Khán giả xem phim trong rạp. Ảnh minh họa.

Công bằng mà nói, không hẳn phim nào ra rạp cũng dở. Có một vài bộ phim được đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng cả về kịch bản, diễn xuất, quay phim và có chủ đề tư tưởng khá tốt, vì vậy được công luận, công chúng đón nhận nồng nhiệt. Một vài nhà sản xuất phim đã sớm nắm bắt, tiếp cận với xu hướng, phong cách làm phim hiện đại của thế giới, đầu tư nhiều công sức, tiền bạc vào khâu hậu kỳ đã giúp bộ phim dễ “bắt mắt” hơn với khán giả và nhờ đó, công chúng mến mộ điện ảnh có thêm những “món ăn tinh thần” phong phú.

Khi đời sống văn hóa phát triển, điện ảnh đã được xã hội hóa, không ít người “đổ xô” tiền của để làm phim. Bên cạnh một số đạo diễn, nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi tham gia sản xuất phim, tạo dựng được một vài bộ phim chất lượng khá, được công chúng điện ảnh đón nhận, thì cũng có người chả mấy am hiểu về bộ môn “nghệ thuật thứ bảy” nhưng cũng rót cả chục tỷ bạc đầu tư vào lĩnh vực này. Có người nghĩ rằng đầu tư vào điện ảnh không chỉ dễ “sinh lời” mà còn dễ “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ. Nếu những năm đầu thập niên 1990, thị trường điện ảnh Việt từng nhan nhản những bộ phim “mì ăn liền” gây nên “cơn sốt” đối với một bộ phận công chúng, thì vài năm trở lại đây, ở nhiều rạp chiếu phim Việt lại xuất hiện không ít bộ phim mang dáng dấp… “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Tức là những bộ phim có dàn diễn viên Việt, quay cảnh Việt, nhưng nội dung kịch bản có yếu tố ngoại lai, tình huống phim không lô gích và cách diễn xuất trên phim “dở tây, dở ta”, thậm chí có phim cố tình tạo ra nhiều cảnh “nóng” để câu khách, không phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa nền nã, tinh tế của người Việt Nam. Bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” cách đây vài năm bị cấm phát hành vĩnh viễn, là một ví dụ.

Làm phim thời nay rất cần khâu giới thiệu, quảng bá, thậm chí phải coi đây là một trong những khâu quyết định để góp phần làm nên thành công của bộ phim. Nhưng mong các nhà sản xuất phim đừng quên rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Dù có được “đánh bóng” bộ phim lên tận mây xanh, dù có “quảng cáo” dàn diễn viên trẻ đẹp đến mấy, cảnh quay hoành tráng đến đâu, kỹ xảo điện ảnh tối tân bao nhiêu, mà kịch bản lại dở, nội dung phim nghèo nàn, tình huống phim gượng gạo, không hợp với văn hóa Việt và không để lại thông điệp giáo dục gì cho công chúng thì khán giả sớm muộn cũng sẽ “quay lưng” với cách làm phim, bộ phim hời hợt đó.

Vẫn biết nhu cầu, thị hiếu công chúng hiện nay hết sức đa dạng, nhưng không vì thế mà những người làm phim dễ dãi với chính mình. Mỗi bộ phim khi công chiếu đều có tác động, lan tỏa đến tình cảm, niềm tin, đạo đức, khát vọng sống của con người, do đó những người làm phim không thể coi nhẹ yếu tố văn hóa trong mỗi thước phim, khuôn hình, lời thoại. Tất nhiên, phim ảnh làm ra không phải để “ngắm” nhất thời rồi cất trữ vào kho, mà tiếp cận được với đông đảo khán giả càng nhiều càng tốt. Việc cân đối bài toán giữa đề cao giá trị văn hóa, thẩm mỹ và bảo đảm doanh thu lợi nhuận không hề dễ dàng đối với những nhà sản xuất phim thời nay, nhưng cũng không thể xem nhẹ vấn đề căn cốt này nếu muốn những bộ phim Việt tồn tại lâu bền trong lòng công chúng và điện ảnh Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường điện ảnh khu vực và thế giới.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/thung-rong-keu-to-510691