Thuê bao di động phải nộp ảnh chân dung, quy định gây khó người dân

GD&TĐ - Ngày 24/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định thuê bao di động tại Việt Nam phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm cả ảnh chân dung. Quy định này đang bị phản ứng gay gắt từ dư luận, vì gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ.

Ngày 24/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (gọi tắt là Nghị định số 49).

Nghị định 49 quy định thuê bao di động tại Việt Nam phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm cả ảnh chân dung. Mục đích của việc này phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, và bảo vệ quyền lợi mỗi người dân. Tránh tình trạng gọi điện, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại...

Nghị định 49 cũng nêu rõ việc các nhà mạng có thể cắt dịch vụ nếu các thuê bao không hợp tác. Cụ thể: Đối với những người mua SIM và kích hoạt trước ngày 24/4 mà chưa tuân thủ đúng quy định mới này thì nhà mạng có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu chủ thông tin thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng (bổ sung ảnh, thông tin…) trước ngày 24/4/2018.

Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo. Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều. Thuê bao sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Với quy định như trên, Nghị định số 49 đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận, vì gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ. Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều nhà mạng đang hoạt động như Viettel, VinaPhone và MobiFone…, chất lượng dịch vụ và mức độ chăm sóc khách hàng là khác nhau. Vì vậy, người dân có quyền lựa chọn nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Một cá nhân có thể sở hữu nhiều Sim khác nhau, khi hết thời gian khuyến mãi thì họ có thể đăng ký Sim khác để sử dụng…do đó, không thể mỗi lần đăng ký Sim phải chụp ảnh chân dung gửi cho nhà mạng, bởi vì mỗi tháng họ có thể đăng ký vài Sim hoặc hàng chục Sim để sử dụng với mục đích là hưởng khuyến mãi của nhà mạng là điều bình thường.

Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng Sim hiện nay rất phổ biến như người già, trẻ em, người tàn tật, kể cả người mù…những đối tượng này thì việc đăng ký thông tin cá nhân để sử dụng dụng Sim đã là khó khăn huống chi bắt họ phải cung cấp ảnh chân dung. Nếu họ không có điều kiện cung cấp ảnh chân dung vì lý do khách quan thì nhà mạng sẽ chấm dứt cung cấp dịch vụ cho họ liệu có hợp lý hay không?

Đồng thời, việc quản lý hình ảnh chân chung của người đăng ký Sim của các nhà mạng có đảm bảo an toàn, bí mật, nếu xảy ra tình trạng hình ảnh bị lộ lọt, đối tượng xấu sử dụng bất hợp pháp, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của của người đăng ký Sim thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Nếu người sử dụng không tiếp tục dùng Sim của nhà mạng thì cơ chế quản lý, hủy bỏ hình ảnh chân dung như thế nào?…Mặt khác, tình trạng đăng ký Sim nhưng cho người khác sử dụng hoặc sử dụng Sim của người khác bất hợp pháp đang diễn ra phổ biến nhưng chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả, mặc dù đã có các chế tài cụ thể.

Nay lại quy định người đăng ký Sim phải cung cấp ảnh chân dung cho nhà mạng để quản lý sẽ gây ra sự bất cập, xáo trộn, không cần thiết, ảnh hưởng đến người quyền lợi và gây khó khăn cho người dân. Do đó, cần thiết phải xem lại tính khả thi của quy định này.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thue-bao-di-dong-phai-nop-anh-chan-dung-quy-dinh-gay-kho-nguoi-dan-3444193-c.html