Thực thi bảo hiểm y tế toàn dân: Cần triển khai linh hoạt

Theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 phấn đấu 90% dân số có bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng nếu quá trình triển khai không linh hoạt e rằng mục tiêu khó thành. Lao động nhập cư, lao động thời vụ đang làm việc tại các đô thị là ví dụ điển hình.

Từ ví dụ điển hình

Chị Đỗ Thị Hồng (sinh năm 1970, ở Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ, chị bị 3 khối u buồng trứng chèn vào tử cung, bàng quang và phía sau lưng, bác sĩ bảo phải mổ phanh chứ không mổ nội soi được. Nhưng mổ phanh thì tốn 10 - 15 triệu đồng, chị không có tiền. “Tôi muốn mua bảo hiểm y tế, nhưng cái khó vẫn là thủ tục giấy tờ, ai giúp đỡ tôi với" - chị Hồng khẩn khoản.

Theo lời kể, chị Hồng theo mẹ lên Hà Nội và định cư ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gần 30 năm nay; ở quê nhà không có ruộng, chị làm nghề mua bán đồng nát để kiếm sống. Chị phát hiện có khối u từ năm 10 tuổi, và đã trải qua 4 lần phẫu thuật nội soi (trong đó có 1 lần mổ nội soi tuyến giáp).

Chị cho biết, do trình độ hiểu biết ít ỏi nên từ lâu nghe mọi người nói có bệnh rồi thì không được mua bảo hiểm y tế nên chị không quan tâm. Bắt đầu năm 2014, khi tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm các quy định pháp luật, an sinh xã hội, chị mới hiểu là bị bệnh rồi vẫn mua được bảo hiểm y tế.

Lúc này chị mới tìm hiểu để mua bảo hiểm y tế, nhưng khi tới đại lý mua bảo hiểm ở phường thì nhân viên lý yêu cầu phải có sổ đăng ký thường trú mới mua được. Chị Hồng lại lật đật trở về quê để xin giấy tạm vắng, nhưng công an viên ở quê chị lại nói bây giờ không cần giấy tạm vắng mà chỉ cần mang giấy chứng minh nhân dân tới công an phường chị đang ở để xin giấy tạm trú.

Thấy thủ tục quá nhiêu khê, chị muốn mua bảo hiểm y tế tự nguyện ở địa phương nơi chị có tên trong hộ khẩu, nhưng cũng không được chấp nhận, vì theo quy định mới từ 1.1.2016 phải mua theo hộ gia đình. "Thu nhập của tôi không đủ để mua cho toàn bộ gia đình với 7 nhân khẩu", chị Hồng trải lòng. Vì vậy, chị trở lại Hà Nội vẫn loanh quanh với thủ tục và hy vọng sẽ mua được bảo hiểm y tế.

Đến khoảng cách giữa văn bản và thực tiễn

Theo Luật sư Trịnh Quang Chiến (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam), trường hợp của chị Hồng muốn mua bảo hiểm y tế tại Hà Nội thì phải có đăng ký tạm trú dài hạn (sổ tạm trú); mà muốn có sổ tạm trú thì phải có chỗ ở hợp pháp theo quy định Điều 20 Luật Cư trú.

Chỗ ở hợp pháp là mua, cho tặng, hợp đồng cho thuê, mượn; phải có ít nhất 2 năm đăng ký tạm trú liên tục.

Trong khi đó, chị Đỗ Thị Hồng đã không thực hiện đăng ký tạm trú ngắn hạn từ năm 2006 đến nay, nên dù có ở 30 năm thì về mặt pháp lý chị khó có thể có được đăng ký thường trú dài hạn.

"Ngoài ra, điều kiện là phải có chỗ ở hợp pháp, nhưng đa số lao động di cư tại phường Phúc Tân thuê chung 4 - 5 người trong một nhà trọ nhỏ của chủ nhà không có giấy tờ đất đai hợp pháp do có thể là lấn chiếm, có thể là "nhảy dù"...

Công an địa phương cũng khó có thể làm đăng ký cho các đối tượng này vì như thế là thừa nhận đất đai không hợp pháp như trên thành đất đai hợp pháp" - Luật sư Trịnh Quang Chiến giải thích.

Để giảm phiền hà cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã có công văn 3638 ngày 29.5.2015 gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia bảo hiểm y tế của thành viên hộ gia đình (như không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã...).

Nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu bảo hiểm y tế theo hướng cá nhân, cơ quan nào dễ tiếp cận với người dân nhất đều có thể làm đại lý thu bảo hiểm y tế (ví dụ: Trạm y tế xã/phường, phòng khám bác sĩ gia đình, bưu điện). Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light, từ công văn cho đến triển khai thực tế vẫn còn khoảng cách, nên thực hiện không đồng bộ.

Chuyện của chị Hồng cũng chính là bài học kinh nghiệm cho lực lượng lao động di cư ở khu vực phi chính thức hiện nay. Vì thế, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, lao động di cư khi ra thành thị cần chấp hành các quy định của pháp luật để thực hiện trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình được đảm bảo.

Đồng thời, cần thay đổi nhận thức khi có bệnh rồi mới vội vàng mua bảo hiểm y tế mà phải mua ngay từ khi chưa có bệnh vì nguyên tắc của bảo hiểm là san sẻ từ người nọ với người kia.

Đức Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thuc-thi-bao-hiem-y-te-toan-dan-can-trien-khai-linh-hoat-39678.html