Thực hư chuyện miếu nghè giúp các sơn tràng trúng huê và rùa vàng?

Ở thôn Trằm Mé, nhiều Sơn tràng trước mỗi chuyến đi rừng đã làm một mâm lễ nhỏ đến Nghè thắp hương, cầu khấn cho một chuyến đi bội thu...

Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch,huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn gọi nơi thờ cúng tâm linh của làng mình bằng một cái tên đơn giản và dung dị, đó là cái Nghè .

Ông Tạ Quang Lai (phụ trách hương khói của Nghè) nói một cách đầy kính cẩn: “Nghè của làng có từ thời khai thiên lập địa, thờ bốn vị thần tâm linh, đó là đức vua Cao Các, Ngụy Trinh Đại Vương, Đức Ông và Đức Bà.

Theo tương truyền, vào một ngày đẹp trời, đức vua Cao Các báo mộng cho một người dân ở tận xã Xuân Trạch và phán rằng: "Người dân xứ Trằm muốn làm ăn yên ổn, muôn đời thịnh vượng thì phải xây một cái Nghè để thờ cúng.

Đúng vào ngày rằm, lễ tết hàng năm, hàng tháng phải có thủ tục thờ cúng tôn nghiêm. Sau lần nhập vong ấy, người dân xứ Trằm liền chắp tay vái lạy, huy động con cháu trong làng dựng lên một cái Nghè để thờ cúng bốn vị thần linh nói trên”.

Mặt trời đứng bóng, gió thổi từ bờ sông Son lên bờ mát rượi, ông Lai bắt đầu kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện liên quan đến cái Nghè của làng, ông nói: “Với người dân chúng tôi, Nghè này linh thiêng lắm, người dân không tới thì thôi, nhưng ai đã tới thì phải thực hiện các phép tắc tôn nghiêm, cẩn thận trong hành động, lời ăn tiếng nói”.

Ông Lai bên miếu Nghè của làng

Thôn Trằm Mé được xem như ốc đảo sống biệt lập với thế giới bên ngoài bởi con sông Son thơ mộng. Xung quanh là núi non hiểm trở với nhiều loại sản vật quý nổi tiếng.

Vì vậy, nam giới, đặc biệt là thanh niên trong làng cứ lớn lên là dắt díu nhau vào rừng “tìm lộc”. Là nơi thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương, vì vậy, nhiều Sơn tràng trước mỗi chuyến đi rừng đã làm một mâm lễ nhỏ thắp hương, cầu khấn cho một chuyến đi bội thu.

Ông Lai tiếp tục kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đầy ly kỳ: “Tôi có hai đứa cháu là thằng H và thằng L. Trước chuyến đi rừng, hai đứa làm một mâm cổ nhỏ đến Nghè cầu khấn, chỉ xin các Ngài cho một chuyến đi bội thu.

Và một điều không thể ngờ, đúng vào chuyến đi ấy, cả hai đứa trúng gỗ Huê, nghe đâu bán được rất nhiều tiền. Chúng về mua được xe, xây nhà cửa đàng hoàng cho bố mẹ, vợ con ở rồi không quên làm một mâm cổ hậu hỷ tạ ơn các Ngài”.

Anh L.T.V là một thợ đi rừng lâu năm nhưng chưa bao giờ trúng mánh lớn. Lần này, trước chuyến đi, anh V cũng đến trước cửa Nghè thắp hương xin các vị thần linh phù hộ một chuyến đi may mắn. Và kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng của anh V.

Nhớ lại chuyến đi rừng may mắn ấy, anh V hồ hởi ra mặt: “Từ nhỏ đến lớn, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về rùa vàng nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội may mắn bắt được nó, vậy mà trong chuyến đi ấy tôi đã bắt gặp.

Cảm xúc lúc đó quá vui mừng, tôi cất giấu cẩn thận rồi mang về bán cho lái buôn. Lần ấy tôi bán được gần 100 triệu, không quên công ơn của các “Ngài”, tôi cũng đến sắm một mâm cổ tới nghè hậu tạ”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (76 tuổi) cho biết: “Rất nhiều người đi rừng trúng lớn nhờ vào thắp hương trong Nghè. Vì vậy, như thành thói quen, người dân chúng tôi trước mỗi chuyến đi rừng đều sắm một mâm cổ nhỏ đến cúng ở Nghè, mong các Ngài phù hộ độ trì cho một chuyến đi may mắn”.

Mang tất cả những câu chuyện trên đến trao đổi với ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng thôn Trằm Mé, được ông trả lời: “Nghè của làng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh , tín ngưỡng mang tính nhân văn. Những trường hợp kể trên chẳng qua chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên mà thôi.

Từ trước đến nay, người dân địa phương đều thể hiện thái độ thành kính trước chốn tôn nghiêm chứ không hề có bất cứ một hình thức mê tín, dị đoan nào”.

Theo một bậc cao niên khác cho biết, chuyện trước mỗi chuyến đi rừng người dân thường đến thắp hương cầu khấn, trong số họ, có người trúng, có người không trúng, vì vậy, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó.

Bích Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/mieu-nghe-giup-cac-son-trang-trung-hue-tien-ty-va-rua-vang-a216611.html