'Thực hư bài thuốc 'bôi một lần trẻ bỏ ti tức thì': Không thể có chuyện cai một lần là xong

Trên số báo 102 (ra ngày 25/8), Báo GĐ&XH có bài viết 'Thực hư bài thuốc 'bôi một lần trẻ bỏ ti tức thì'. Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều độc giả, chủ yếu là các bà mẹ có con trong độ tuổi bú mẹ đã liên hệ với tòa soạn, chia sẻ những địa chỉ hoặc cách thức cai sữa cho con bằng Đông y…

Gói cao bôi đầu ti mẹ (ảnh nhỏ) và gói thuốc bôi lên lông mày trẻ của một nhà thuốc ở Đống Đa,Hà Nội với quảng cáo: Sẽ giúp bé cai sữa ngay tức thì? Ảnh: P.V

Thuốc bôi được làm bằng nhựa cây thuốc Nam

Lần qua địa chỉ và số điện thoại được độc giả cung cấp, chúng tôi liên hệ với chị Vân A., (số điện thoại 01664…) ở 282 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Vân A. rất hồ hởi cho biết: Bài thuốc cai sữa bằng cách dán cao vào đầu ti mẹ và quệt bột vào lông mày con là bài thuốc gia truyền của gia đình. Bản thân chị cũng đã từng cai sữa cho con bằng cách này và hiệu quả vô cùng nhanh chóng, chỉ sau một đêm, bé bỏ hẳn suy nghĩ bú mẹ.

Chúng tôi bày tỏ băn khoăn về các chất làm nên bột màu nâu đất được bôi lên lông mày trẻ có làm tổn hại da bé không, chị Vân A. cho hay: Bột này được làm bằng nhựa cây thuốc Nam, còn cụ thể nó là gì thì phải là cậu chị mới biết được, chị chỉ là người bán và là bí quyết gia truyền của gia đình nên không tiết lộ được!

“Bột này sau khi được trộn với dầu ăn hoặc mỡ động vật, thành một dung dịch sền sệt, bôi vào lông mày trẻ con, sẽ khiến bé bỏ ti mẹ luôn! Đó là mẹo gia truyền chị ạ! Trước đó, chị nhớ cho con bú kiệt hai bầu nhé! Khi dán cao vào đầu ti mẹ, chị cứ cho bé nhìn thấy. Cao có mùi hôi khó chịu, bé sẽ sợ luôn không thèm bú nữa! Nhiều người đã cai thành công rồi! An toàn lắm chị không phải lo!”, chị Vân A. trấn an tôi khi tôi băn khoăn chuyện cao dán đầu ti mẹ có thể làm bỏng niêm mạc miệng bé.

Tại một địa chỉ phòng thuốc Đông y khác ở ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng, hay ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội, chúng tôi cũng được quảng cáo với cách tương tự này và đảm bảo: Chỉ với một liều duy nhất cai được ngay! Đảm bảo hoàn toàn không có tác dụng phụ. Giá mỗi liều giao động khoảng từ 80.000 – 100.000đ.

Mang những băn khoăn về các bài thuốc trên đây hỏi lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), ông cho biết: Bài thuốc như Báo GĐ&XH đăng tải có nói “Bôi dung dịch vào lông mày trẻ theo “trái nam, phải nữ”- đây không phải là dựa trên cơ sở khoa học nào, mà đơn thuần là quan niệm về số của phương Đông. Phương Đông quan niệm: Bên trái là dương (nam), bên phải là âm (nữ). Ngoài ra, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng khả năng bôi cao, bôi thuốc một lần khiến trẻ bỏ bú là điều khó thực thi. Nhiều khi chính điều này sẽ làm trẻ bị “sốc” do chưa được chuẩn bị tâm lý, nghĩ mẹ “bỏ con”, trẻ sẽ xa lánh mẹ và mặc cảm, tự ti hơn.

Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, các vị thuốc từ Đông y có thể sử dụng để cai sữa mẹ phải đảm bảo là dược liệu không làm hại da, hại niêm mạc miệng trẻ vì da trẻ rất mỏng và mẫn cảm. Các vị thuốc chua, cay, đắng, có vị khó chịu cũng ở mức độ nhẹ, để bé dần dần bỏ ti mẹ. “Tuyệt đối không được bôi ớt, gừng già lên da trẻ hay ti mẹ bởi nếu trẻ bú có thể bị bỏng. Phụ huynh nên dùng các dược liệu như nước chanh, vỏ chanh, gừng non… để bôi lên ti mẹ. Đông y, Tây y đều không khuyến khích việc bôi bất cứ thứ gì lên da, lông mày, mí mắt trẻ...”, lương y Vũ Quốc Trung nói.

Mẹo hay nhưng không phải ai cũng áp dụng thành công

Trong các ý kiến gửi về tòa soạn, nhiều chị em đã “mách nhỏ” các chiêu làm giảm khả năng tiết sữa mẹ, các mẹo vặt giúp bé bỏ ti mẹ nhanh nhất. Chị Hoài Lan (Thanh Chương, Nghệ An) mách: Dân Nghệ quê chị có một cách để cai sữa siêu nhanh, đó là luộc 1 quả trứng gà bóc sẵn cho vào bát đặt vào gậm giường (nơi bé có thể tự lấy được), mẹ chỉ cho bé ra lấy rồi cho bé ăn, không nhất thiết phải ăn hết nhưng miễn là bé có ăn, như thế bé sẽ không đòi ti nữa (!?). Một số khác lại chia sẻ: Để giảm khả năng tiết sữa, giảm cương tức sữa, đau ngực khi cai sữa cho con, các mẹ hãy ăn lá lốt, đắp lá bắp cải hay lá khoai lang lên bầu ngực, đặc biệt, cần tích cực ăn… mỳ tôm.

Bàn luận về các mẹo vặt này, các chuyên gia Đông y cho rằng dân gian ta không có bài thuốc hay công trình nào chứng minh được các loại lá này có tác dụng giảm tiết sữa hay tiêu sữa, tiêu đau. Với mẹo “ăn mỳ tôm” như có độc giả phản ánh, Thầy thuốc Nhân dân Phùng Đình Khánh (Hội Đông y Việt Nam) cho rằng: Cơ sở có thể nhận định về mẹo này là trong mỳ tôm có vị mạch nha (lúa mỳ), đây là vị thuốc đặc biệt trong y học cổ truyền làm giảm khả năng tiết sữa. Cũng như thế, hạt sen, nếu bóc bỏ tâm sen, có khả năng làm tăng lượng tiết sữa nhưng ngược lại, nếu vẫn để nguyên tâm sen lại cho kết quả ngược lại.

“Một số bà mẹ đun lá dâu lấy làm nước uống cũng có thể làm giảm khả năng tiết sữa, hay ăn các vị như tỏi, hạt tiêu... sẽ làm nặng mùi làm bé cảm thấy khó chịu, bỏ dần thói quen bú mẹ, chứ không phải ăn những vị này sẽ làm giảm khả năng tiết sữa của mẹ”, Th.S Đỗ Thanh Hà (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) chia sẻ.

Thầy thuốc Nhân dân Phùng Đình Khánh cũng cho biết: Không thể có một bài thuốc hay một mẹo nào có thể áp dụng cho tất cả các bà mẹ. Bởi nếu bà mẹ có vấn đề về tâm lý, tư tưởng hoặc thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm lượng sữa ít dần đi. Dù làm theo cách nào, cũng cần đảm bảo về mặt dinh dưỡng và đặc biệt là sự chuẩn bị tâm lý cho cả mẹ và bé một cách kỹ lưỡng trong thời gian cai sữa.

Theo các chuyên gia sản khoa, cai sữa không khoa học không chỉ ảnh hưởng đến nhịp sinh học, mà còn có thể phát sinh những ảnh hưởng không tốt cho tâm lý trẻ.

“Nguyên lý” cai sữa cho trẻ là trẻ ít bú, bú thưa thì sữa mẹ sẽ dần ít về hơn. Các mẹ tuyệt đối không được tự tiện dùng thuốc giảm đau mà cần có ý kiến của bác sĩ. Có thể nặn sữa nhưng không được nặn hết và không nặn thường xuyên bởi càng nặn, càng thông thì sữa càng ra. Việc bôi một ít thuốc kháng sinh liều thấp thông thường không ảnh hưởng xấu đến trẻ, nhưng không được tự ý sử dụng các loại thuốc này.

Tạm đình chỉ hoạt động của nhà thuốc “bôi một lần, cai sữa tức thì”

Chiều 25/8, ông Nguyễn Đình Trình- Chánh thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ Báo GĐ&XH về sản phẩm thuốc cai sữa “bôi một lần, cai sữa tức thì” được rao bán trên thị trường (Báo GĐ&XH số 102, ra ngày 25/8), Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra cơ sở nhà thuốc lương y Vũ Văn Ghi.

Tại đây, Đoàn đã kiểm tra và phát hiện có một lượng thuốc đóng túi in nhãn mác “Thuốc cai sữa của Nhà thuốc đông y gia truyền Vũ Văn Ghi”. Mặt sau bao bì sản phẩm có đề tựa hướng dẫn: Chỉ cần bôi thuốc đã trộn với sữa mẹ rồi bôi lên lông mày trẻ (trai bên trái, gái bên phải) vào lúc bé ngủ trưa. Về vấn đề này, ông Trình cho biết: “Không có cơ sở nào khẳng định, thuốc chỉ cần bôi lên lông mày là trẻ cai sữa được. Và càng không thuyết phục khi chỉ dẫn “trai bôi lông mày trái, gái bôi lông mày phải”. Theo đó, trước những sai phạm trên, Đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản, tạm đình chỉ hoạt động của nhà thuốc Vũ Văn Ghi (thôn Rỗ, xã Tiên Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

Khi làm việc với Đoàn, lương y Vũ Văn Ghi không cung cấp được chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm thuốc này theo quy định. Bản thân lương y Vũ Văn Ghi cũng trình bày: Ông không rao bán thuốc ra ngoài thị trường cũng như trên mạng. Những hình ảnh, thông tin rao bán sản phẩm trên thị trường là do một người cháu ruột ông làm. Còn tại cơ sở 2 ở đường Bùi Thị Từ Nhiên (quận Hải An, Hải Phòng) sở dĩ có bán thuốc này cũng là do cháu gái ông đem về bán(?!).

Trước đó, ngày 21/8, PV Báo GĐ&XH đã tới cơ sở 2 ở đường Bùi Thị Từ Nhiên với vai trò người mua hàng. Sau khi xem kỹ mẫu sản phẩm thuốc, hồ nghi trước cách quảng cáo đầy tính duy tâm, phóng viên đã được người bán hàng (cháu gọi ông Vũ Văn Ghi là cậu ruột) đọc số điện thoại của lương y nghe giải đáp những thắc mắc. Qua đàm thoại, ông Vũ Văn Ghi nói, sản phẩm này là bài thuốc gia truyền của nhà ông nên không cần xin phép Bộ Y tế hay các đơn vị chức năng liên quan. Sản phẩm này đã được gia đình ông bán từ nhiều năm nay. Không chỉ giới hạn bán tại địa phương, sản phẩm “thuốc cai sữa thần tốc” này còn được bán cho các khách hàng xa theo đơn đặt hàng. Giá mỗi gói dao động từ 80.000đ -100.000đ (tùy theo nơi được chuyển tới). Ngoài hướng dẫn cách sử dụng, ông Ghi còn cam kết ”Sản phẩm không gây kích ứng hay tác dụng phụ nào”.

Dương Đăng Thùy

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nuoi-day-con/thuc-hu-bai-thuoc-boi-mot-lan-tre-bo-ti-tuc-thi-khong-the-co-chuyen-cai-mot-lan-la-xong-20140827084228222.htm