Thực hiện triển khai phương châm ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ

Sáng ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm 'Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới và hàm ý chính sách trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế'.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có hơn 100 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến. Về phía Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp và một số chuyên gia của văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội. Về phía Việt Nam có đại diện, lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Ngoại giao, các sở, ngành phụ trách công tác ngoại giao kinh tế của 30 tỉnh, thành trên cả nước, cùng đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp.

Tọa đàm 'Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới và hàm ý chính sách trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tọa đàm 'Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới và hàm ý chính sách trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. (Ảnh: Tuấn Việt)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, đối mặt với nhiều rủi ro, những tín hiệu phục hồi là chưa đáng kể. Vì vậy, những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động từ những biến động của toàn cầu.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt).

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt).

Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của công tác đối ngoại, trong đó cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan trong hệ thống chính trị. Hiện nay, công tác ngoại giao kinh tế đang được Bộ Ngoại giao, các bộ ngành và địa phương quan tâm, đẩy mạnh với trọng tâm là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ở cả cấp địa phương. Trợ lý Bộ trưởng mong rằng Tọa đàm sẽ cung cấp các thông tin, đánh giá cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới, các tác động đến kinh tế Việt Nam để giúp các cán bộ tại các sở ban ngành địa phương trong tham mưu, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới. ( Ảnh: Tuấn Việt).

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới. ( Ảnh: Tuấn Việt).

Tại tọa đàm, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có bài trình bày toàn diện và sâu sắc triển vọng kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Những đánh giá mới cho thấy tăng trưởng toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thương mại phục hồi chậm. Một số xu hướng lớn cần tiếp tục theo dõi là sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu do cạnh tranh chiến lược nước lớn và xu hướng chuyển đổi số đang thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh và cách thức tiêu dùng.

Đối với Việt Nam, sự suy giảm cầu thế giới và tiêu dùng trong nước yếu đi làm cho tăng trưởng kinh tế chững lại trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao điều hành vĩ mô của Chính phủ nhất là kiềm chế hiệu quả lạm phát, chính sách tài khóa - tiền tệ được điều hành linh hoạt, kịp thời.

Nhấn mạnh vai trò của đầu tư công đối với thúc đẩy kinh tế dài hạn ở Việt Nam, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị, chính sách thiết thực như cải thiện về lập kế hoạch, thẩm định, triển khai, theo dõi và đánh giá dự án; hoàn thiện thể chế về quản lý đầu tư; có cơ chế hợp vốn tổng thể và phân cấp tài khóa hiện đại, cân đối hơn.

Các nội dung thảo luận của Tọa đàm rất thiết thực, bám sát nhu cầu của địa phương, nhất là các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, huy động nguồn lực bên ngoài, các nguồn tài chính xanh… Tọa đàm là hoạt động cụ thể triển khai phương châm ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.

Tuấn Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuc-hien-trien-khai-phuong-cham-ngoai-giao-kinh-te-lay-doanh-nghiep-va-dia-phuong-lam-trung-tam-phuc-vu-238548.html