Thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách

Phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', nhiều năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa cho gia đình chính sách luôn được các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt. Qua đó, kịp thời động viên các gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng địa phương ngày thêm phát triển.

Đại diện chính quyền địa phương xã Ngũ Lạc đến thăm gia đình ông Kim Phiết (phải) nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Theo đồng chí Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh: công tác chăm lo gia đình chính sách, “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được lãnh đạo các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; quan tâm đới sống thương binh, đảm bảo mức sống của người có công, thân nhân của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, nhất là người có công neo đơn; hàng năm đều thực hiện tốt công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đối với người có công.

Dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), UBND tỉnh đã thống nhất trích kinh phí trên 5,7 tỷ đồng từ nguồn đảm bảo xã hội của ngân sách tỉnh, huyện thực hiện các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách, người có công đều được tặng một phần quà. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thắp nến tri ân, sửa chữa, quét vôi, vệ sinh các nghĩa trang liệt sĩ…

Được biết, đến nay, các gia đình chính sách trong tỉnh đều được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, đảm bảo các gia đình chính sách đều có nhà ở ổn định. Từ nguồn ngân sách, quỹ anh sinh xã hội và nguồn xã hội hóa, các hoạt động chăm lo tốt cho gia đình chính sách được thực hiện kịp thời, mức sống được nâng lên, phần nào sẻ chia những mất mát của gia đình chính sách, thể hiện sự “tri ân” của thế hệ sau đối với hy sinh của các thế hệ cha anh. Thông qua thực hiện các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền đến gia đình chính sách và người dân tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tục lao động, học tập, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải là địa phương giàu truyền thống cách mạng, hiện toàn xã còn 03 Mẹ Việt Nam anh hùng, 38 thương binh, 70 vợ liệt sĩ và một số đối tượng người có công. Theo đồng chí Kiên Thị Sa Mít, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc: lãnh đạo xã qua các thời kỳ đều chú trọng công tác chăm lo gia đình chính sách, đến nay, cơ bản gia đình chính sách đều được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, đời sống các gia đình chính sách được nâng lên. Tùy điều kiện, nhiều hộ chính sách có nhiều đóng góp cho chính quyền địa phương trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động và gắn kết với địa phương trong nhiều hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Tốt, ấp Mé Láng, cán bộ hưu trí xã Ngũ Lạc, là người từng tham gia kháng chiến và nhiều năm gắn bó với địa phương trong công tác. Ông cho biết: từng tham gia kháng chiến, tôi thấu hiểu sự hy sinh của các liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách. Sau giải phóng, Đảng và Nhà nước chỉ đạo chăm lo gia đình chính sách, địa phương nỗ lực thực hiện tốt công tác này, chăm lo đời sống, trợ cấp kịp thời đối với người có công, việc thăm viếng gia đình chính sách được thực hiện kịp thời. Là xã anh hùng, đối tượng chính sách của xã khá nhiều và đều được quan tâm chăm lo đời sống, hầu hết được hỗ trợ nhà tình nghĩa, có những căn nhà tình nghĩa được xây dựng nhiều năm trước, sau này được hỗ trợ sửa chữa lại. Cả hệ thống chính trị của địa phương đồng lòng chăm lo gia đình chính sách, nhất là dịp 27/7 hàng năm.

Đến nhà ông Kim Phiết, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, căn nhà tình nghĩa được xây dựng khang trang, cạnh đó là nhà tình nghĩa của mẹ ông, bà Thạch Thị Sân (85 tuổi).

Ông Kim Phiết chia sẻ: trước đây cha và mẹ tôi đều tham gia kháng chiến, cha tôi hy sinh năm 1970. Sau giải phóng, cuộc sống gia đình nhiều khó khăn và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, mẹ tôi được tặng nhà tình nghĩa năm 2007, năm 2022 tôi cũng được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Hàng tháng mẹ tôi được trợ cấp gần 03 triệu đồng dành cho đối tượng vợ liệt sĩ và đối tượng tù đày, giúp cuộc sống của mẹ được chăm lo đầy đủ hơn, nhất là lúc này mẹ đã lớn tuổi, nhiều bệnh. Bản thân tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với gia đình tôi cũng như các gia đình chính sách khác. Vì vậy, tôi luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động, tham gia Ban Công tác mặt trận ở ấp.

Việc chăm lo gia đình chính sách thể hiện sự tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, góp phần xoa dịu sự mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh và gia đình chính sách đối với sự phát triển của đất nước hôm nay. Truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc sẽ luôn được phát huy, nhất là vào dịp 27/7 hàng năm.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/thuc-hien-tot-cong-tac-cham-lo-gia-dinh-chinh-sach-30506.html