Thực hiện tái cơ cấu kinh tế: Cần phân bổ lại nguồn lực hợp lý hơn

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa tương xứng kỳ vọng. Do đó, cần xác định rõ những điểm cản trở và hướng đi để nguồn lực được phân bổ hợp lý, thật sự tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng”. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng”. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là một nội dung được các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” do Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam tổ chức ngày 12/10.

Phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, 5 năm qua tái cơ cấu kinh tế tuy có đạt được một số kết quả nhưng tái cơ cấu còn chậm, chưa tương xứng với kỳ vọng. Cụ thể, đầu tư công chưa cải thiện, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, nợ xấu trong nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết thực chất.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tái cơ cấu không chỉ là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, là huy động nguồn lực, mà chính là phải xem xét phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Nhấn mạnh về điểm nghẽn nợ xấu trong tái cơ cấu ngân hàng, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định. Trong 5 năm qua việc xử lý nợ xấu đã chiếm tới 12,5% GDP, tức là tương đương với 15 tỷ USD. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa thật sự hiệu quả, nợ xấu của các các tổ chức tín dụng vẫn còn những tồn tại chưa khắc phục được hoàn toàn.

Trong khi đó, việc phải trích lập dự phòng lớn, ngoài việc bản thân các ngân hàng phải chịu một phần giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn. Phần còn lại chính là phần lãi suất vay cao mà các doanh nghiệp phải “gánh”, khiến người vay gặp nhiều khó khăn về chi phí vốn, hạn chế trong việc phát triển kinh doanh.

Ông Trương Văn Phước cho rằng việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống thì NHNN không thể “đơn thương độc mã” mà cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành, vì đây là vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, cần phân loại các “con bệnh” và có bài thuốc cụ thể.

Vượt qua rào cản, vì lợi ích chung

Phân tích tổng thể vấn đề tái cơ cấu, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định quan điểm cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế.

Để chặng đường tiếp theo của tái cơ cấu nền kinh tế sẽ đạt được những thành quả tích cực hơn, cần phải thay đổi tư duy, cần có đột phá về thể chế, loại bỏ tối đa cơ chế hành chính trong phân bổ nguồn lực hay cơ chế “xin-cho”. Phải để nguồn lực chảy theo cơ chế thị trường, thiết lập thị trường các nhân tố sản xuất.

Về tái cơ cấu khu vực tài chính, phải tư duy lại rằng, không chỉ là thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà còn phải cơ cấu lại danh mục tài sản của Nhà nước, chỉ làm đúng các chứng năng cần thiết của Nhà nước, không lấn sân sang khu vực tư nhân.

Ngoài ra, trong tái cơ cấu ngân hàng phải xử lý dứt điểm và xử lý nhanh nợ xấu. Phải tách rời nhiệm vụ xử lý nợ xấu khỏi việc trừng phạt những người gây ra nợ xấu.

“Quan trọng nhất là các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải vượt chính mình tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành địa phương mình vì lợi ích chung thì tái cơ cấu mới có thể thành công”. TS. Cung nhấn mạnh.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/thuc-hien-tai-co-cau-kinh-te-can-phan-bo-lai-nguon-luc-hop-ly-hon/288796.vgp