Thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Một bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Cán bộ vận hành trung tâm của Nhà máy xi măng Mai Sơn trong ca làm việc.

Ông Lường Minh Xuấn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Công đoàn đại diện cho tập thể người lao động trong quá trình thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT đã có nhiều đổi mới, toàn tỉnh hiện có 89/118 doanh nghiệp có TƯLĐTT; nhiều bản TƯLĐTT có nhiều nội dung có lợi cho người lao động như: việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, nhà ở, xăng xe, thăm hỏi, ốm đau, tham quan, du lịch và các chế độ phúc lợi xã hội khác; đa số đơn vị có chế độ ăn ca từ 20.000 - 30.000 đồng/người/ca, một số đơn vị có chế độ ăn ca từ 80.000-100.000 đồng/người/ca.

Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn, huyện Mai Sơn có 259 cán bộ công nhân viên lao động và đoàn viên công đoàn, trong đó có 87 lao động nữ; sinh hoạt tại 8 tổ công đoàn trực thuộc. Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty, cho biết: Công đoàn phối hợp tốt với Ban Giám đốc xây dựng thang lương, bảng lương và áp dụng các định mức đều được công khai, minh bạch. Về thu nhập lương bình quân đảm bảo mức tăng trưởng phù hợp với mức tăng lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, lương bình quân của người lao động hiện đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve - Mộc Châu, huyện Mộc Châu là mô hình cổ phần hóa 100% vốn cổ đông là của cán bộ công nhân và người lao động. Nhiệm vụ chính là tổ chức quản lý chăm sóc, thu mua chế biến sản phẩm chè búp tươi và một số dịch vụ đầu tư cho người lao động sản xuất chè tươi như phân bón và thuốc BVTV. Tổng số cán bộ công nhân là 66 người và hơn 900 hộ gia đình sản xuất chè tươi được tổ chức thành 6 đơn vị, gồm 1 đơn vị cơ quan, 1 đơn vị chế biến và 4 đơn vị sản xuất nông nghiệp. Bà Lê Thị Hồng Ngọc, Chủ tịch CĐCS Công ty, cho biết: Trên cơ sở TƯLĐTT, Công đoàn phối hợp với Công ty tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động. Tại hội nghị, người lao động được thông báo kết quả sản xuất, kinh doanh, việc bảo đảm các chế độ chính sách và phương hướng, nhiệm vụ năm tiếp theo. Công đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT, phát động các phong trào thi đua yêu nước... tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh kết quả đạt được, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa làm tốt công tác quản lý TƯLĐTT, như: Việc hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ, thu, nộp, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT chưa sát sao, do đó chưa đánh giá được chỉ tiêu về chất lượng TƯLĐTT; một số TƯLĐTT chưa tiến hành đúng quy trình thương lượng, chất lượng chưa cao, chưa có nhiều nội dung có lợi cho người lao động. Hiện còn 29 CĐCS tại các doanh nghiệp chưa ký hoặc chưa nộp bản TƯLĐTT về công đoàn cấp trên. Đa số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có từ 10 lao động trở lên đã tổ chức hội nghị người lao động hàng năm; xây dựng và ban hành được quy chế dân chủ ở cơ sở; quy chế đối thoại, nội quy lao động, nhưng chất lượng các hội nghị chưa cao. Đa số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc nhưng thường tổ chức lồng ghép với hội nghị người lao động hàng năm hoặc hội nghị giao ban, hội nghị tổng kết...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn, rèn luyện kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở các doanh nghiệp đảm bảo có lợi hơn cho người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật... Qua đó, giúp đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó lâu dài, góp phần vào sự phát triển của công ty, doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Phong Lưu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/huong-toi-dai-hoi-xv-cong-doan-tinh-son-la-va-dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam/thuc-hien-hieu-qua-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-trong-doanh-nghiep-AfCa1pRIg.html