Thúc đẩy vận tải đường bộ xuyên biên giới

Sáng 9/11, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức tọa đàm Phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh và chuyển tải giữa các nước thành viên Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), trong đó có Việt Nam, nhất là trong điều kiện các nước thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Việc thực hiện hiệu quả vận tải đường bộ sẽ góp phần làm tăng giá trị hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại xuyên biên giới, tận dụng lợi thế và phát triển kinh tế của Hành lang kinh tế Đông Tây. Hiện nay đã hình thành các tuyến vận tải quá cảnh giữa Việt Nam-Lào-Thái Lan, Shenzen (Trung Quốc)-Việt Nam-Lào-Thái Lan và Việt Nam-Campuchia.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ đang gặp không ít khó khăn, nổi bật là sự hạn chế về số lượng hàng hóa do thương mại khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây chưa phát triển, nhất là việc mất cân đối về hàng hóa hai chiều, dẫn đến việc chưa tận dụng được phương tiện vận tải, qua đó làm gia tăng giá thành vận tải.

Bên cạnh đó, thủ tục thông quan hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; việc thực hiện các thỏa thuận đa biên và song biên, nhất là Hiệp định "Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng 1999" chưa được đầy đủ ở các nước thành viên; chi phí ngoài luồng còn cao...

Theo ông Lê Duy Hiệp, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khắc phục các khó khăn và hạn chế đó, phát huy hiệu quả của vận tải hàng hóa bằng đường bộ với các nước trong khu vực thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế của khu vực.

Ông Clement Balanc, chuyên gia đến từ châu Âu cho rằng có hàng nghìn thủ tục hải quan khác nhau giữa các nước đang là một thách thức rất lớn đối với vận tải xuyên quốc gia, do vậy, chúng ta cần làm cho thủ tục hải quan đơn giản hơn và hài hòa thủ tục hải quan giữa các nước. Ông Clement Balanc cũng khuyến nghị các nước trong khu vực nên hướng đến mô hình lưu thông tự do như ở châu Âu.

Cùng quan điểm, bà Lương Kim Thanh, chuyên gia tư vấn vận tải cho rằng cần phải cải tiến thủ tục thông quan tại biên giới nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, qua đó thu hút lượng hàng hóa quá cảnh thông qua Việt Nam. Đồng thời, cải thiện giờ làm việc của các cơ quan hải quan, phối hợp làm thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin trong làm thủ tục, nhất là áp dụng thủ tục kiểm tra một cửa, một điểm dừng; cải tiến việc kiểm tra liền ngành ở các cửa khẩu.

Đại diện Hiệp hội vận tải, logistisc các nước như Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan… cũng đã khuyến nghị nhiều vấn đề để thúc đẩy hàng hóa xuyên biên giới. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng chính sách phát triển cho vận tải xuyên biến giới, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước khu vực ASEAN, Tiểu vùng Mekong, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội liên quan, đặc biệt là hiệp hội logistics.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng hành lang kinh tế Đông Tây, nhất là kết cấu hạ tầng tại các cửa khẩu quá cảnh, các kho bãi, địa điểm tập kết hàng, xe và đường vào ra các cửa khẩu.

Cần có sự liên kết về chính sách, về hạ tầng, về thông tin giữa các cửa khẩu các nước trong khu vực, sự kết nối hiệp hội logistics của các nước và các doanh nghiệp vận tải để thúc đẩy sự phát triển chính sách vận tải xuyên biên giới trên cả khu vực. Đặc biệt là cần thúc đẩy phát triển hàng hóa trong khu vực nhằm tạo nguồn hàng hóa phong phú hơn; tận dụng hàng hóa sản xuất ở ngoài ASEAN, của các nước GMS để tạo nguồn hàng vận tải xuyên biên giới, qua đó giảm chi phí vận tải, vận chuyển hàng hóa quá cảnh.

Bên cạnh đó, cần giảm chi phí ngoài luồng vì hiện nay các doanh nghiệp logistics đang phải chi trả quá cao làm cho hiệu quả vận tải xuyên biên giới kém đi. Các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải cũng đề nghị ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn, bảo hiểm xuyên biến giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ, phục vụ cho phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước trong khu vực GMS.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chuyen-hoi-nhap/thuc-day-van-tai-duong-bo-xuyen-bien-gioi/291155.vgp