Thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 27, tối 16-11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 31 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của các Bộ trưởng và đại diện 21 thành viên APEC, cùng lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 27, tối 16-11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 31 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của các Bộ trưởng và đại diện 21 thành viên APEC, cùng lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị.

Các bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong việc kiểm soát dịch Covid-19, duy trì đà hợp tác, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy liên kết và khu vực phục hồi kinh tế bền vững. Hội nghị nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ủng hộ nỗ lực cải cách WTO. APEC cần tiếp tục thúc đẩy các trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm, cân bằng và an toàn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

Hội nghị thông qua Tuyên bố chung, khẳng định 21 thành viên APEC tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, đại dịch Covid-19 càng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế; hơn bao giờ hết, các thành viên APEC cần đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chung tay đóng góp để châu Á - Thái Bình Dương sớm vượt qua các thách thức và tiếp tục dẫn dắt tiến trình phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm.

Trong khi đó, các nước tiếp tục hoan nghênh và nhấn mạnh về các cơ hội sau khi các nước ASEAN và đối tác ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy thương mại tự do khu vực và hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch. Bộ trưởng Kinh tế Ðức P.An-tơ-mai-ơ nêu rõ, RCEP được ký kết không chỉ giúp giảm thuế quan và tạo thuận lợi cho các thành viên tiếp cận thị trường của nhau, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền thương mại toàn cầu tự do và dựa trên luật lệ.

Một số chuyên gia Séc cho rằng, với RCEP, các nước châu Á - Thái Bình Dương giảm các rào cản thương mại; và đây là tin tốt đối với nền kinh tế xuất khẩu của Séc, nhất là trong thời điểm nhu cầu giảm do xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và tác động từ dịch Covid-19. Là một trong số nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EU), Việt Nam sẽ là cửa ngõ mới cho các doanh nghiệp Séc tiếp cận thị trường 15 nền kinh tế RCEP.

Tương tự, Thứ trưởng Phát triển Kinh tế Nga V.I-li-chép cho rằng, hiệp định thương mại tự do (FTA) của 15 thành viên khu vực cũng mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nga. Quan chức Nga khẳng định, RCEP không ảnh hưởng tiêu cực các thỏa thuận giữa Nga và Việt Nam, trong đó có FTA giữa Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU) và Việt Nam...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/thuc-day-phuc-hoi-kinh-te-ben-vung-624862/