Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác bằng 'Giao dịch nội bộ'

Việc cụ thể hóa 'Giao dịch nội bộ' trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác.

Chưa làm rõ "Giao dịch nội bộ"

Sáng 9/3, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty Alinea Internation Ltd (Canada) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam: Giao dịch nội bộ và Liên đoàn Hợp tác xã.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vai trò của “Giao dịch nội bộ” và “Liên đoàn Hợp tác xã” đối với việc thúc đẩy hoạt động của hợp tác xã.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vai trò của “Giao dịch nội bộ” trong hoạt động hợp tác xã

Về định nghĩa Giao dịch nội bộ trong hợp tác xã, thông tin tại hội thảo cho rằng: Đây là giao dịch của tổ chức kinh tế hợp tác với thành viên chính thức thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ (bao gồm dịch vụ tạo việc làm, tín dụng nội bộ) của tổ chức hợp tác theo cam kết giữa tổ chức kinh tế hợp tác với thành viên chính thức.

Theo đó, liên quan đến vấn đề Giao dịch nội bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, mặc dù đã có quy định về tỷ lệ giao dịch với các thành viên, giao dịch ngoài thành viên tại Luật Hợp tác xã năm 2012, song trên thực tế vẫn chưa làm rõ được giao dịch nào được xem là Giao dịch nội bộ, giao dịch nào không được xem là Giao dịch nội bộ, cách thức hạch toán, kế toán nên thiết kế như thế nào cho phù hợp, trên cơ sở đó thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho khả thi.

“Chính vì vậy, hiện nay về cơ bản chúng ta vẫn chưa có được các chính sách khuyến khích hiệu quả cho các tổ chức kinh tếhợp tác, nhất là các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ rất tốt cho thành viên của mình” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định.

Tại hội thảo, chuyên gia đến từ Công ty Alinea Internation Ltd (Canada) cũng cho rằng: Khái niệm về Giao dịch nội bộ tại Luật Hợp tác xã sửa đổi chưa rõ, không có giải thích về sản phẩm, dịch vụ nào được tính vào Giao dịch bên trong và không có quy định về cách tính Giao dịch nội bộ… gây ra những khó khăn trong phát triển và vận hành hợp tác xã.

Kinh nghiệm trên thế giới

Chia sẻ về kinh nghiệm Giao dịch nội bộ tại một số quốc gia trên thế giới, TS Hoàng Vũ Quang - chuyên gia từ Công ty Alinea Internation Ltd (Canada) cho rằng: Ở một số quốc gia trên thế giới, cụm từ "Giao dịch nội bộ" được thay bằng "Giao dịch với các thành viên”. Theo đó, một số quốc gia không phân biệt ưu đãi giữa giao dịch với thành viên và không phải thành viên như: Bỉ, Sevs, Phần Lan, Thụy Điển. Nhưng lại cũng có một số quốc gia ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần lợi nhuận từ giao dịch với thành viên.

Ví dụ tại Pháp, hợp tác xã nông nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho giao dịch với thành viên trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và bán nông sản. Tại Philippines miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho lợi nhuận từ giao dịch với các thành viên. Hợp tác xã chỉ giao dịch với thành viên được miễn thuế và phí; các hợp tác xã có giao dịch bên ngoài nhưng có dự trữ và tiết kiệm ròng nhỏ hơn 10 triệu peso (đơn vị tiền tệ của Philippines) được miễn các loại thuế.

Từ thực tế trên, ông Tô Văn Hậu – Giám đốc Hợp tác xã thương mại chế biến nông sản Ninh Bình cho rằng, để thúc đẩy kinh tế hợp tác, Việt Nam cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể với Giao dịch nội bộ, đặc biệt có thể miễn hoàn toàn thuế Giao dịch nội bộ như một số quốc gia đang áp dụng để khuyến khích sự tham gia đóng góp của các thành viên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, việc làm rõ vai trò của Giao dịch nội bộ trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là vô cùng cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Vũ Mạnh Nam - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội: Giao dịch nội bộ là nội dung cốt lõi, đặc biệt quan trọng trong mỗi hợp tác xã, đây cũng là nội dung riêng của mô hình hợp tác xã, khác với các doanh nghiệp. Giao dịch nội bộ cũng là cơ sở kinh tế quan trọng để cơ quan nhà nước đánh giá về hợp tác xã, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã.

Trên thực tế, rất nhiều hợp tác xã tại Hà Nội hiện đã thực hiện giao dịch nội bộ. Tuy nhiên, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện, đặc biệt chưa có các chính sách để khuyến khích ưu đãi hợp tác xã thực hiện giao dịch nội bộ.

“Theo đó, việc cụ thể hóa giao dịch nội bộ trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ tạo động lực thúc đẩy thành viên của hợp tác xã tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng, đóng góp cho sự phát triển của hợp tác xã” – ông Vũ Mạnh Nam kiến nghị.

Trước ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện của địa phương và hợp tác xã, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận, tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và áp dụng phù hợp với thực tiễn bối cảnh Việt Nam và quyền lợi của các tổ chức, kinh tế hợp tác, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi trong thời gian tới, thúc đẩy hệ sinh thái hợp tác phát triển.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-phat-trien-khu-vuc-kinh-te-hop-tac-bang-giao-dich-noi-bo-245543.html