Thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, mà trọng tâm là hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo tinh thần Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Quảng Trị có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thực hiện Nghị định 98, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.

Nghị quyết 99/2022/NQ-HĐND về nội dung, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 2784/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển một số liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ chương trình OCOP, hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX để thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 150 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và người sản xuất, trong đó có 65 mô hình của HTX, 8 mô hình của tổ hợp tác, 60 mô hình của trang trại, 17 mô hình của doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình.

Điển hình như mô hình liên kết sản xuất hơn 500 ha lúa chất lượng cao của các HTX trên địa bàn tỉnh với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị và các công ty giống; 120 ha sản xuất chanh leo của Công ty TNHH Giải pháp vàng Globa, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc với HTX Nông nghiệp Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; liên kết sản xuất, tiêu thụ 1.000 ha cà phê giữa Công ty Slow Forest Coffee, Công ty Tường Linh Việt Nam… với HTX Nguyên Sơn, HTX Nông sản Khe Sanh và các tổ hợp tác ở huyện Hướng Hóa.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ 1.000 ha hồ tiêu giữa HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hồ tiêu Cùa với Công ty TNHH Gia vị Sơn Hà, Công ty Organic More…; liên kết sản xuất hơn 30 ha cây dược liệu giữa Công ty Đông Nam dược Bảo Linh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Xanh với Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân, HTX Dược liệu Trường Sơn…

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương khảo sát và triển khai thực hiện 11 kế hoạch/dự án liên kết thuộc nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh như cà phê, chanh leo, gỗ rừng trồng, dược liệu, lúa chất lượng cao.

Cụ thể, nguồn vốn nông thôn mới đã bố trí 3,7 tỉ đồng để thực hiện 5 dự án/kế hoạch liên kết cho các ngành hàng lúa hữu cơ ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng; cây dược liệu ở các huyện Cam Lộ, Triệu Phong và hồ tiêu ở các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ; nguồn vốn Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số bố trí 5,128 tỉ đồng để thực hiện 6 kế hoạch liên kết cho các ngành hàng chanh leo ở 2 xã Hướng Phùng, Tân Hợp; cà phê xã Hướng Phùng, xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa); cây dược liệu trên địa bàn các huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Đặc biệt, tháng 7/2023 tỉnh tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê với sự tham gia của 5 doanh nghiệp trong, ngoài nước. Qua đó, doanh nghiệp đã cam kết tiêu thụ 300 tấn cà phê thóc, 5 tấn cà phê nhân với giá trị hợp đồng hơn 20 tỉ đồng/năm.

Đồng thời, để khuyến khích và hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh bố trí trên 6 tỉ đồng để hỗ trợ 15 dự án về hạ tầng, máy móc và thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm ở một số HTX trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: năng lực điều hành hoạt động sản xuất và thực hiện cam kết của các HTX nông nghiệp đối với doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết.

Công tác thu hút, mời gọi doanh nghiệp/đơn vị tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do quy mô sản xuất nông nghiệp của nông dân/hộ thành viên nhỏ (bình quân 0,2 ha/hộ), trong khi tỉnh chưa có chính sách đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn để đáp ứng yêu cầu đồng nhất về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các vùng thực hiện liên kết thiếu đồng bộ, làm tăng hệ số chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận của nông hộ và doanh nghiệp. Nhận thức của nông dân về liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Nông dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Để việc sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị thực sự chuyển biến về quy mô, mang tính bền vững thì việc hỗ trợ liên kết cần tập trung, tránh dàn trải nguồn lực.

Trong đó, cần hỗ trợ liên kết thông qua loại hình kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX nông nghiệp để từ đó huy động thành viên, dẫn dắt nông dân tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu theo yêu cầu của đơn vị tiêu thụ. Tỉnh cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện công tác quy hoạch ngành nông nghiệp, từ đó xây dựng quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa tại các địa phương.

Đồng thời cần kiểm tra, đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, từ đó có cơ sở đưa ra khỏi quy hoạch những dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp. Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy cần xây dựng phương án dồn điền đổi thửa cũng như hợp nhất một số HTX nhỏ để hình thành những HTX quy mô toàn xã, toàn huyện để liên kết mở rộng quy mô sản xuất mang tính liên vùng, kêu gọi, xúc tiến hợp tác giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/thuc-day-phat-trien-chuoi-gia-tri-gan-voi-san-pham-nong-nghiep-chu-luc/179464.htm