Thúc đẩy phát triển các vùng dược liệu ở Đắk Nông

Đắk Nông được đánh giá là 1 trong những địa phương có tiềm năng, thế mạnh về trồng dược liệu, được quy hoạch với vai trò là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Đăk Nông là 1 trong 08 vùng trồng dược liệu của cả nước được quy hoạch để phát triển trồng 10 loại dược liệu bao gồm: gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ với diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó, ưu tiên trồng các loài đảng sâm, sâm ngọc linh.

Tại tỉnh Đăk Nông, Ban thường vụ tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị số 22-CT/TU về việc phát triển cây dược liệu. Từ đó đến nay, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến công tác phát triển cây dược liệu và được xem đây là hướng đi phù hợp trong việc phát huy tối đa vai trò của y học cổ truyền, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nhiều loại dược liệu được người dân ở Đắk Nong nuôi trồng, chăm sóc, sử dụng hàng ngày Ảnh: Báo Đắk Nông

Thực hiện Chỉ thị số 22, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu tại địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1390 ngày 6/9/2018 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh. Đề án định hướng đến năm 2030, hình thành các vùng cây dược liệu có tiềm năng tại các huyện Cư Jút, Đắk Glong, Đắk R'lấp, với việc trồng các cây gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2314 về Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Đây là cơ sở để Đắk Nông phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên trên địa bàn tỉnh, phục vụ mục tiêu khám, chữa bệnh, phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm hiện có.

Đề án đã phân loại cây dược liệu có tiềm năng khai thác 26 loại; dược liệu thuộc diện bảo tồn 71 loại; định hướng dược liệu trồng và phát triển tại Đắk Nông 12 loại.

Cơ quan chuyên môn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, với việc ưu tiên xem xét bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ việc phát triển dược liệu; nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ dược liệu trên địa bàn gắn với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng việc bảo tồn, phát huy dược liệu của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đã huy động nguồn vốn nhằm triển khai công tác nghiên cứu khoa học và các chương trình phát triển dược liệu; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và chương trình, đề án xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu phát triển nguồn dược liệu.

Công tác quy hoạch đất, mở rộng các vùng trồng dược liệu được hầu hết các địa phương quan tâm chỉ đạo. Việc quy hoạch một số khu vực tập trung, mở rộng phát triển các dược liệu có thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương được quan tâm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có chính sách đầu tư, hỗ trợ áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu, nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội của các địa phương. Theo đó, các dược liệu được trồng tập trung tại các địa phương như huyện Đăk Glong, Đăk Mil, Krông Nô, Cư Jut và TP Gia Nghĩa.

Ngoài những dược liệu được trồng theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện tại các khu vực rừng tự nhiên có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam như: bổ cốt tóa, vàng đắng, chè dây, bách bệnh…có trữ lượng lớn.

Hiện nay, công tác bảo tồn và duy trì cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã đạt được hiệu quả cao, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn và thách thức. Việc trồng, chế biến dược liệu chưa được đồng bộ, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị đặc trưng, liên kết hình thành vùng hàng hóa bền vững còn hạn chế.

Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu còn thấp, chưa xứng đáng với quỹ đất phát triển nông nghiệp của tỉnh. Chưa xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ và phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và địa phương nhằm đẩy mạnh khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực bảo tồn, nuôi trồng, sơ chế, chế biến các thành phẩm từ dược liệu.

Trong thời gian tới, Đăk Nông sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cây dược liệu như: khoanh vùng bảo tồn cây dược liệu tại 03 địa điểm bảo tồn: Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu vực thuộc xã Quảng Trực; căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm sinh thái của cây dược liệu, nhu cầu sử dụng cũng như diện tích đất trồng cây dược liệu đã có, đề xuất tiếp tục phát triển cây dược liệu tại huyện Cư Jut, Krông Nô, Đăk Mil và Đăk Glong; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, nhân giống, sản xuất giống dược liệu dự kiến quy mô 10 ha tại TP Gia Nghĩa..

Nguyễn Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuc-day-phat-trien-cac-vung-duoc-lieu-o-dak-nong-169231026132816835.htm