Thúc đẩy liên kết vùng, tạo xung lực phát triển mới

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP Hải Phòng trong kết nối giao thông thúc đẩy liên kết vùng. Từ đó góp phần tích cực phát triển KT-XH của từng địa phương và thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả theo nguyên tắc 'Chia sẻ, đồng thuận, cùng phát triển'.

Khơi thông các nguồn lực

Cầu Triều nối 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, giúp việc đi lại và giao thương được thuận tiện. Ảnh: Lê Đại (CTV)

Trên cơ sở nắm rõ những lợi thế của từng địa phương và để cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương vào thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngày 10-3-2022, BTV Tỉnh ủy 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đã ban hành Kết luận số 352-KL/TUQN-TUBG-TUHD về việc triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh, giai đoạn 2022-2025.

Thực hiện Kết luận, thời gian qua cấp ủy, chính quyền 5 địa phương trực thuộc 3 tỉnh, gồm: Đông Triều (Quảng Ninh), Kinh Môn, Chí Linh (Hải Dương) và Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang) đã chủ động, tích cực triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực, tạo động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Nổi bật là triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường khả năng kết nối giao thông nội vùng, liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Theo đó, trong công tác quy hoạch, đối với Đồ án Quy hoạch chung (điều chỉnh), Quy hoạch vùng huyện, trước khi trình tỉnh phê duyệt, các địa phương đã thông tin nội dung của Đồ án, xin ý kiến tham gia của các địa phương lân cận để có những cập nhật, điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, phù hợp với định hướng phát triển chung của các địa phương. Đối với các dự án giao thông mang tính kết nối vùng, các địa phương cũng tổ chức phối hợp trong công tác nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết mặt bằng tuyến đường bộ các kết nối mới để đảm bảo sự đồng nhất về quy mô, kỹ thuật, mỹ thuật giữa các địa phương.

Là cửa ngõ phía Tây của tỉnh, việc triển khai thêm các tuyến giao thông kết nối vùng sẽ là cơ hội để TX Đông Triều mở rộng liên kết trong khu vực, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của thị xã.

Điển hình như tuyến đường nối QL18 (TX Đông Triều) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (qua huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) để tạo tuyến giao thông kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện tại và cao tốc Nội Bài - Hạ Long trong tương lai, thời gian hoàn thành trước năm 2025; tuyến đường nối QL37 với đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến TX Đông Triều để kết nối trực tiếp giữa Đông Triều với Chí Linh, đồng thời trục giao thông này sẽ kết nối Quảng Ninh với 8 tỉnh và thành phố trong khu vực (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình)...

Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và nông nghiệp, 5 địa phương cũng thường xuyên cung cấp thông tin về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để thu hút mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, ngành nghề thu hút trên địa bàn các địa phương; phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, cây ăn quả các loại ra thị trường các huyện, thị xã, thành phố lân cận; thông tin rộng rãi các hội chợ thương mại nhằm trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của địa phương.

Chùa Ngọa Vân. Ảnh: Lê Đại (CTV)

Các địa phương cũng tích cực hợp tác, giao lưu phát triển văn hóa, đặc biệt là khai thác và phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của mỗi địa phương, nhất là những giá trị đặc biệt của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích - danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (tỉnh Hải Dương)...

Đặc biệt, hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới. Từ đó, hình thành một không gian văn hóa đặc trưng không chịu sự chia cắt của địa giới hành chính. Năm 2022, TX Đông Triều đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến du lịch TX Đông Triều với sự tham gia của các địa phương trong và ngoài tỉnh; trong đó có Bắc Giang, Hải Dương. Hội nghị có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành khu vực phía Bắc, qua đó đã tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch của TX Đông Triều.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương ký kết biên bản về việc bàn giao, tiếp nhận các khu vực xâm canh, xâm cư giữa 2 địa phương.

Các địa phương luôn duy trì công tác đấu tranh, tấn công, trấn áp tội phạm với cường độ cao, trọng tâm là tội phạm về than, khoáng sản, tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh... Trong đó có việc tiếp tục duy trì mô hình "Cụm liên kết an ninh trật tự 7 xã giáp ranh sông Kinh Thầy" gồm: Thủy An, Nguyễn Huệ (TX Đông Triều); Văn Đức, An Lạc, Kênh Giang (Chí Linh, Hải Dương) và xã Bạch Đằng, Lê Linh (Kinh Môn, Hải Dương). Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 22 vụ, 34 đối tượng phạm tội về ma túy; 6 vụ, 9 đối tượng phạm tội đánh bạc. Đồng thời điều tra, làm rõ, xử lý 1 vụ, 1 đối tượng chống người thi hành công vụ; 2 vụ, 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 1 vụ, 1 đối tượng gây rối trật tự công cộng.

"Chia sẻ, đồng thuận, cùng phát triển"

Lãnh đạo 5 địa phương ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện Kết luận số 352-KL/TUQN-TUBG-TUHD. Ảnh: Lê Đại (CTV)

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên hoạt động hợp tác giữa các địa phương còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các bên. Sự phối hợp giữa các địa phương có lúc chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tính kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác trong phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn thiếu tính định hướng và chưa bền vững; một số tuyến giao thông chưa được cải tạo nâng cấp đồng bộ dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.

Tại hội nghị đánh giá kết quả việc triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh của 5 địa phương (ngày 18-10-2023), các địa phương đã thẳng thắn chỉ rõ hoạt động hợp tác chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các bên, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo phương thức đa phương.

Ông Bùi Xuân Lộc, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết: Thực tế cho thấy, từng địa phương, ngay cả những địa phương phát triển nhất cả nước, không thể tự giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề như: Tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng, phòng chống ô nhiễm môi trường... mà cần có sự phối hợp có tính chất liên ngành, liên tỉnh, liên vùng để giảm thiểu tình trạng manh mún, chia cách theo không gian hành chính. Đơn cử như trong vấn đề tiêu thụ nông sản, hiện chúng tôi có 26 sản phẩm OCOP, trên 4.000 ha hành tỏi (lớn nhất trong cả nước) nhưng phần lớn các sản phẩm nông sản chưa đáp ứng tiêu chí của các chuỗi siêu thị, nhà hàng. Do đó, các địa phương lân cận trong khu vực có thể xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ nông sản, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tăng cường quảng bá các sản phẩm lợi thế để các sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế khảo sát tại di tích Bạch Đằng, thuộc phạm vi Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Ảnh: Phan Hằng

Ông Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Huyện ủy Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) khẳng định: Liên kết vùng hiện là yếu tố quyết định việc hình thành vùng quy hoạch và các liên kết, hợp tác trong phát triển các ngành kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của vùng. Đây vừa là nhu cầu tất yếu, vừa có tính bắt buộc trong hợp tác và hội nhập quốc tế trước xu hướng toàn cầu hóa đối với vùng và mỗi quốc gia. Mỗi địa phương đều có những sản phẩm văn hóa đặc sắc nhưng chưa khai thác thế mạnh của những sản phẩm này theo chuỗi, chưa hình thành được “1 hành trình 5 điểm đến”. Vì vậy, thời gian tới cần xây dựng những kế hoạch chung của 5 địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch cũng như kế hoạch phát triển riêng giữa các địa phương với nhau.

Trên tinh thần và quyết tâm chính trị cao nhất trong việc hiện thực hóa những quyết sách Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các tỉnh, 5 địa phương đã thống nhất cao các đề xuất để đưa vào kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới. Cụ thể, đưa vào Quy hoạch, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 các tuyến giao thông kết nối và ưu tiên bố trí nguồn lực tập trung hợp tác đầu tư để tăng cường liên kết vùng trên nguyên tắc phần thuộc địa giới hành chính của bên nào bên đó đầu tư. UBND TX Đông Triều tiếp tục rà soát, chỉ đạo các phòng, ban, các xã liên quan phối hợp với TX Kinh Môn, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc đối với người dân tại các khu vực xâm canh xâm cư. Các địa phương tích cực phối hợp thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, liên kết thu hút phát triển các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp mà các địa phương có lợi thế; đẩy mạnh hợp tác để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thông tin về du lịch của mỗi địa phương; phối hợp chặt chẽ trong xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin để kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản trái phép giữa các địa phương với TX Đông Triều.

Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, chia sẻ: Nhằm đảm bảo việc liên kết vùng giữa 3 tỉnh, 5 địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác, tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, huy động nguồn lực, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ của các địa phương để góp phần quan trọng kiến tạo không gian phát triển mới, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của các địa phương.

Hoàng Nga (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/150685/thuc-day-lien-ket-vung-tao-xung-luc-phat-trien-moi