Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

(HQ Online)- Nửa đầu năm 2016 tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với cùng kỳ năm 2015 và mới chỉ đi được khoảng 1/3 quãng đường. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn này trong thời gian tới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm

Chậm đồng loạt

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT:

“Thúc đẩy giải ngân có ảnh hưởng đến lạm phát, đến tiêu dùng, nhưng chỉ là một phần nhỏ, ảnh hưởng nhưng không đáng kể, không quyết định đến toàn bộ tốc độ tăng trưởng cũng như lạm phát. Vì chất lượng tăng trưởng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong nền kinh tế như XK, sản xuất, còn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ là tiền đề, động lực”.

Năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư công đổ vào nền kinh tế ước khoảng trên 420.000 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là gần 251.451 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 60.000 tỷ đồng và nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài là 4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, số liệu từ Bộ KH-ĐT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước mới đạt 32,2% kế hoạch, trong khi cùng kỳ đạt 44,4%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 23% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34%) còn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được chỉ ra là do nguồn vốn kế hoạch bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia nửa đầu năm 2016 chưa được giải ngân, do chương trình chưa được phê duyệt chính thức và chưa có hướng dẫn tạm thời của Bộ. Các văn bản hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa hoàn thiện, hoặc chưa phù hợp, gây nhiều khó khăn cho triển khai giải ngân vốn. Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư… Với vốn trái phiếu Chính phủ, sở dĩ đến tháng 6-2016 tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do trong tổng số vốn kế hoạch 60.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao 40.590 tỷ đồng, hơn 19.000 tỷ đồng còn lại chưa giao chủ yếu là vốn đầu tư của dự án cải tạo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 còn dư lại đang rà soát điều chuyển cho dự án khác…

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, năm 2016 Bộ Xây dựng được giao quản lý gần 928 tỷ đồng (vốn trong ngân sách là gần 588 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 340 tỷ đồng) cho 35 dự án. Trong số đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có 2 dự án chuẩn bị đầu tư, 14 dự án khởi công mới và 19 dự án chuyển tiếp, tập trung cho các dự án trọng điểm (dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc)… Tính đến nay, các dự án hầu hết đều thực hiện theo đúng tiến độ, ước thực hiện tháng 6-2016 khối lượng của các dự án được 333,4 tỷ đồng, đạt 59,58% kế hoạch năm 2016. Tuy nhiên, về giá trị giải ngân, đến hết 30-6-2016 mới giải ngân được 190,5 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm.

Chia sẻ thêm về việc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2016 của ngành giao thông đạt thấp, trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, năm 2016 tổng nguồn vốn đầu tư công Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện là 45.000 tỷ đồng, trong đó có 14.000 tỷ đồng (vốn trái phiếu) là vốn dư của dự án cải tạo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 (đường HCM qua Tây Nguyên). Tuy nhiên, từ 2016 việc giải ngân nguồn vốn này thực hiện theo Luật Đầu tư công, do đó các thủ tục phải thực hiện lại, dẫn đến chậm trễ, không giải ngân được. Ông Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, Chính phủ vừa có văn bản chấp thuận việc sử dụng nguồn vốn này, vì thế, từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT quyết tâm giải ngân được 30-40% số vốn này, phần còn lại sẽ tiến hành giải ngân hết vào năm 2017.

Lo về tốc độ, ngại về chất lượng

Trong nửa đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế ở mức dưới tiềm năng (5,52%) và việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. Nhận thức việc cần phải đẩy nhanh nguồn vốn vào nền kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm tạo việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/NĐ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 với mục tiêu đặt ra là phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Để đạt được kết quả này, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Về biện pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, đại diện Bộ GTVT cho biết, với nguồn vốn ODA, đến nay Bộ GTVT đã giải ngân được 50%. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ODA năm 2016, Bộ này đã yêu cầu Ban quản lý các dự án hoàn thành các thủ tục để trong quý III-2016 giải ngân hết số tồn động năm 2015, tiếp tục giải ngân vốn của năm 2016 và dự kiến sẽ ứng trước vốn của 2017 để thực hiện. Với các dự án thực hiện từ các nguồn vốn còn lại, hiện nay Bộ GTVT yêu cầu các BQL dự án phải chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ, thực hiện giải ngân vốn, nếu BQL nào không thực hiện sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, với quyết tâm sẽ giải ngân hết số vốn đầu tư công năm 2016.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và bảo đảm chất lượng các công trình, dự án, được biết hiện nay, các bộ, ngành liên quan đã và đang sửa các Thông tư hướng dẫn các thủ tục về đầu tư xây dựng, quản lý và thanh toán vốn đầu tư… Đơn cử như, vào cuối tháng 6-2016, Bộ Xây dựng đã ban hành một loạt thông tư hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, về thẩm định, phê duyệt dự án thiết kế, dự toán xây dựng công trình, hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam...

Mặc dù đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm nhằm góp phần cải thiện chỉ số tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế có những e ngại liên qua đến vấn đề này. Một trong những lo ngại đó là việc chúng ta ép tiến độ để đạt được mục tiêu về mặt kỹ thuật có thể dẫn đến chất lượng giải ngân, chất lượng tăng trưởng bị ảnh hưởng. Bình luận việc này dưới góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lo ngại, đặt vấn đề tăng cường giải ngân vốn đầu tư công chính là việc nới lỏng tài khóa thông qua tăng đầu tư, tăng đầu tư để tăng trưởng, trong khi chúng ta biết, tăng đầu tư của khu vực Nhà nước hiệu quả tăng trưởng thấp hơn tăng đầu tư ở khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn FDI. Việc đem các bài toán kỹ thuật ra giải bài toán tăng trưởng kinh tế vĩ mô là không ổn. Điều này có thể sẽ dẫn tới đe dọa về tăng trưởng nóng, liên quan đến lạm phát theo kích cầu đầu tư. Như vậy, việc đẩy nhanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn và phải theo sát diễn biến để kiểm soát được những bất ổn phát sinh.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, một số bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu đạt thấp như Bộ Quốc phòng đạt 9,8%, Bộ GTVT (6%), TP.Hà Nội (3%), Sơn La đạt 1,1%, Phú Thọ đạt 2,6%, Tiền Giang 2,3%... Về giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài cân đối trong ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm, có một số bộ, ngành Trung ương và địa phương hoàn toàn chưa giải ngân kế hoạch như Bộ Công an (217,877 tỷ đồng), Bộ Thông tin và Truyền thông (2,432 tỷ đồng), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (25 tỷ đồng)…

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong.aspx