Thừa Thiên Huế: Lan tỏa di sản bài chòi

Cùng với 9 tỉnh thành khác ở miền Trung, Thừa Thiên Huế là địa phương làm tốt công tác gìn giữ, phát huy giá trị di sản bài chòi. Đến nay, nhiều mô hình hay để lan tỏa giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này đã được xây dựng.

Đây là một buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường THCS Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Chỉ mới 12 tuổi, các em đã có thể cầm trò hô bài chòi cũng như thuộc lòng các làn điệu gắn với dân ca xứ Huế. 5 năm qua, hơn 200 giáo viên và học sinh trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã được tập huấn bài bản về bài chòi. Huế cũng là địa phương tiên phong đưa di sản bài chòi vào trường học, qua đó lan tỏa một cách tự nhiên.

Để phát huy giá trị di sản, tại thị xã Hương Thủy đã thành lập 6 câu lạc bộ bài chòi. Với tính linh hoạt, thích nghi cũng như ngẫu hứng, bài chòi đã thu hút người dân nông thôn tham gia tập luyện. Những nghệ nhân cao tuổi đích thân hướng dẫn cho các thế hệ tiếp nối hô bài chòi một cách thuần thục. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt phục vụ tại các sự kiện, lễ hội lớn của địa phương.

Tại hội nghị tổng kết đề án bảo vệ và phát huy giá trị bài chòi giai đoạn 2019-2023, các chuyên gia cho rằng việc phát huy giá trị bài chòi vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là môi trường diễn xướng ở phạm vi hẹp, chủ yêu lễ Tết và các sự kiện, số nghệ nhân đa phần đã lớn tuổi khiến bài chòi có nguy cơ bị mai một.

Bài chòi chỉ có thể sống được và lan tỏa khi đến với cộng đồng một cách tự nhiên, gắn liền với đời sống địa phương. Đây cũng là điều mà tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra trong đề án bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi đến năm 2030.

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Tiểu Bảo - Hà Phượng - Đào Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thua-thien-hue-lan-toa-di-san-bai-choi-215464.htm