Thừa cán bộ, khó tìm người tinh giản: Nghịch dị kiểu VN

Nếu chưa rõ thế nào là đủ số cán bộ, lãnh đạo thì không thể lên kế hoạch để tinh giản biên chế.

Mới đây Thanh tra của một số tỉnh đã công bố các kết luận cho thấy tình trạng dư thừa cán bộ ở một số cơ quan. Có trường hợp trong một phòng thuộc Sở, số cấp phó còn nhiều hơn cả nhân viên làm việc. Toàn Sở dư thừa tận 23 vị trí cán bộ mà lại toàn là vị trí lãnh đạo. Hai tỉnh khác thì thực hiện xét duyệt cán bộ không qua thi tuyển hoặc hồ sơ thiếu yêu cầu.

Trong khi rất nhiều nơi bổ nhiệm dư thừa cán bộ thì việc tinh giản biên chế lại khó khăn vì ''không có đối tượng để giảm''.

Thừa lãnh đạo là "chuyện thường". Ảnh: Lao động

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, tình trạng thừa lãnh đạo và tinh giản biên chế rất nghịch dị và chỉ có ở Việt Nam.

Lý giải vì sao có chuyện thừa cán bộ nhưng không ai biết hoặc khó khăn trong xử lý, vị chuyên gia hành chính cho rằng, để xử lý quy trách nhiệm rất đơn giản nhưng lại nằm ở chỗ không ai muốn làm mà chỉ muốn đá bóng loanh quanh, để một thời gian tạm ngừng là ổn.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển cho hay, biên chế của một cơ quan do người ở bộ phận tổ chức lập danh sách. Nếu theo quy hoạch, cơ quan hay bộ phận nào thiếu người thì làm tờ trình lên cấp quản lý nhân sự bên trên để bổ sung nhân sự. Nếu xin nhiều tới mức thừa cả cán bộ, trước tiên người duyệt tờ trình đó phải chịu trách nhiệm. Bởi vì dù biết cơ quan đủ người, không cần phải xin thêm biên chế nhưng vẫn trình để xin thêm thì đây là cách làm vô trách nhiệm. Sau nữa mới tính đến trách nhiệm của người duyệt trình, cho phép bổ sung thêm biên chế vào cơ quan đó.

Người quản lý danh sách nhân sự của tổ chức sẽ biết theo đúng quy hoạch, bao nhiêu người là đủ, bao nhiêu bộ phận là đủ, ai làm ở vị trí nào là phù hợp.

Nếu là Phòng thuộc Sở phải truy trách nhiệm tại Sở. Nếu là lãnh đạo Sở thì phải truy trách nhiệm cho Tỉnh ủy. Trách nhiệm như vậy rất rõ ràng, không thể nói không biết ai duyệt trình biên chế và không hiểu vì sao thừa cán bộ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này lại là vì sao biết thừa cán bộ nhưng phòng tổ chức vẫn xin trình thêm biên chế? Do quá nhiều công việc mà số lượng người không xử lý được hết hay còn lý do nhạy cảm nào khác?

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Khiển, chắc chắn không phải bởi quá nhiều công việc bởi đã có nhiều trường hợp báo chí phản ánh và chính các lãnh đạo cơ quan thừa nhận cán bộ ngồi làm việc riêng trong giờ công, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"... Song song với đó, việc đưa con cháu, họ hàng, người quen.. vốn được gọi là "con cháu các cụ" khiến nhiều người làm tổ chức từng nói rằng, có lý do rất "nhạy cảm", "khó xử" vì sợ bị động chạm.

Chưa kể, cũng bởi vì vào công chức thì dễ chứ "ra" khỏi biên chế thì... khó lắm, nên cơ quan nào cũng vị nể, thêm công chức rồi thêm nữa, thêm nữa, tới khi Thanh tra mới phát hiện dư thừa.

"Chế độ làm việc tập thể hiện nay ở Việt Nam thì rất lộn xộn, lẩn quẩn và phức tạp. Những người làm sai, yếu kém lại rất thích kiểu phức tạp ấy. Lúc làm thì nhanh nhưng lúc làm sai thì loanh quanh đổ vấy trách nhiệm, lấy lý do vòng vo, chung chung. Hay nhất ở chỗ là lấy lý do khéo sao sau đó lại không ai bị việc gì" - vị chuyên gia nói.

Theo GS. Nguyễn Hữu Khiển, ở một nhà nước pháp quyền, người đứng đầu có rất nhiều quyền lực và đều sự chịu sự giám sát chặt chẽ và được đánh giá bằng tính hiệu quả trong công việc bởi người cấp trên trực tiếp. Nếu trưởng phòng làm không tốt, cả bộ phận của ông ta cũng bị ảnh hưởng. Nếu Giám đốc Sở làm không tốt, Chủ tịch tỉnh có thể thay thế ngay.

"Nhưng ở Việt Nam, cán bộ của ta không sợ bị đuổi việc" - GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nói. "Căn nguyên của hệ thống công vụ của ta, nguyên nhân của việc khó khăn tinh giản biên chế là cán bộ của ta, nhất là cán bộ lãnh đạo, không sợ bị đuổi việc. Sau khi giải trình, trình bày, lý do vòng vo, viện cớ rồi lại được sắp xếp làm công việc khác, như một số trường hợp, chính ra lại được thăng cấp".

"Đặc điểm của hệ thống chính trị của ta là Quyền đi đôi với Trách nhiệm. Nếu đã dùng Quyền thì phải có Trách nhiệm với nó. Nhưng ít ai làm vậy" - ông Khiển nhận định.

Xử lý trách nhiệm cán bộ rất khó khăn.

Để giải quyết tình trạng này, ông Khiển cho rằng, phải tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống nhân sự không để cứ thỉnh thoảng lại lẻ tẻ một vài thông tin báo chí đề cập ở tỉnh A, huyện B, dư thừa cán bộ, cấp lãnh đạo nhiều hơn số lượng hơn nhân viên... mà sau khi tổng rà soát phải thực hiện đúng, thực hiện đủ.

"Thừa biên chế thì phải cắt đi, cắt ai đi là trách nhiệm của cơ quan đó. Nếu những năm trước số người chỉ cần 3 đã có thể giải quyết các công việc, vậy nay chỉ cần 3 người. Nếu xin lên tận 5 người, 2 người còn lại phải cắt giảm là trách nhiệm của lãnh đạo phòng tổ chức đã đồng ý trình thêm biên chế. Đây là người quản lý nhân sự thì ai làm tốt, ai không tốt đều phải nắm được. Nếu người này cũng không biết phải chọn lựa ai để cắt giảm thì đây chỉ là ngụy biện. Người này rõ ràng cũng làm việc không hiệu quả, có thể đề bạt người khác lên thay.

Nếu sai thì phải sửa, xử lý đúng người đúng tội. Những trường hợp bổ nhiệm hay xin trình thêm biên chế để dư thừa thì phải chuyển sang làm việc khác hay hạ một bậc lương... " - GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tinh-gian-can-bo-van-thua-lanh-dao-thua-thi-phaicat-3331048/