Thư viết tay: thấy chữ như được gặp lại người!

Viết thư giúp – việc không có gì lạ lẫm trong xóm thời xưa nhưng lại là chuyện hiếm gặp thời nay. Vậy mà mới đây, tôi lại hân hạnh được làm lại cái việc thời xưa này.

Nhưng lần này lại khác, người hàng xóm nhờ tôi viết ra để ông viết lại rồi gửi cho người cháu họ ở xa. “Để cháu nó biết là tui còn khỏe. Thấy cái chữ của tui là nó sẽ vui mà!”, ông nói. Tôi viết ngắn gọn những gì ông muốn nói, viết chữ khổ lớn, rõ ràng từng chữ để ông dễ xem mà viết lại.

Người xưa nói “văn là người”. Và cái chữ viết của một người cũng là một phần của người đó. Nhưng ở đây không phải là thuật xem chữ để đoán định tính cách người viết, mà là ở phương diện tình cảm: thấy chữ viết của người gửi thư cho mình cũng như được thấy, được gặp lại họ.

Lời người hàng xóm của tôi nói giống như một định đề tâm lý học. Ông làm tôi nhớ đến lá thư của người anh họ gửi cho tôi hồi bảy năm trước. Nhận được thư anh gửi, tôi rất vui mừng. Gác qua một bên nỗi thắc mắc là sao anh không gọi điện thoại, không gửi e-mail – những thứ anh sẵn có, tôi đoán anh muốn dành cho tôi món quà của tình cảm và xúc động biết bao. Tất cả con người thể chất và tình cảm của anh như được biểu hiện, được phóng chiếu qua những dòng chữ trên thư, có thể nói là còn hơn cả một tấm hình chân dung của anh gửi đến tôi!

Tôi hay lưu giữ những bức thư nhận được từ người thân, bạn hữu và cả những người tôi chỉ mới được gặp một lần. Nhưng đáng tiếc, không phải tất cả đều còn lại được bởi một số đã bị hư vì gián bọ, mối mọt, vì ẩm ướt. Lâu lâu, những lúc rảnh rỗi, tôi lại lấy ra xem. Và đó là những phút giây tôi như được sống lại với niềm xúc cảm quý báu, với những gì từng có được với người đã gửi thư cho mình. Mỗi lá thư là mỗi con người với những ý tình thân thương giữa mình và họ có được với nhau, không vui không quý sao được. Tôi không quên là mỗi lần lấy ra đọc lại lá thư của một cụ già nông dân ở tuổi bảy mươi lăm, và của một phụ nữ khó nghèo tuổi trên năm mươi ở phía Bắc (cả hai người đều tự viết) trong nỗi xúc động, tôi lại thấy mình được khích lệ hơn khi gặp khó trong công việc.

Việc lưu giữ những thư từ mình nhận được là việc làm quen thuộc xưa nay của nhiều người trên khắp hành tinh này. Cũng nhờ nguồn lưu giữ này trong xã hội mà nhiều tư liệu hữu ích về văn hóa, lịch sử đã được gìn giữ và trao về cho xã hội. Thật vô cùng lý thú, hứng khởi khi được đọc tác phẩm Những bức thư tình hay nhất thế giới gồm những bức thư viết tay của những danh nhân thế giới, cả những bậc quân vương, quốc trưởng, những vị tướng soái, các nhà chính khách, các khoa học gia, các thi hào, văn sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng cách đây từ cả một thế kỷ trở lên, thấy được cả chữ viết trên thư của họ!

Công ngệ thông tin phát triển ở tầng nấc chót vót với các thiết bị liên lạc cầm tay thông minh truyền tải được cả giọng nói và hình ảnh ngay tức khắc đến người cần liên lạc gần như ở khắp mọi nơi trên địa cầu qua các nền tảng số hết sức tiện dụng được thiết lập và phủ sóng. Chưa kể, với sự phát triển và phổ dụng bước đầu của công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo), việc ai đó dùng công cụ này viết hộ thư điện tử cho mình là điều có thể kể đến! Thư viết tay đã gần như đang ở bước cuối dần đến đoạn cáo chung.

Dù vậy, đâu đó trong giới trẻ bây giờ vẫn có người thấy được cái hay, cái ý nghĩa và niềm vui riêng có khi nhận những lá thư viết tay, những tấm thiệp in bằng giấy có chữ viết của người gửi và đôi khi đến lượt mình họ cũng viết tay gửi niềm riêng cho người thân quý.

Cũng như khá đông một số người – giới trẻ lại chiếm số nhiều – mua sách giấy để đọc (song song với việc đọc trên e-book) và lưu giữ, trong đó có người muốn có được chữ ký của tác giả cuốn sách hay của người tặng trên trang sách.

Rõ là những công nghệ tiên tiến trợ giúp rất nhiều cho con người trong cuộc sống để nhanh hơn, hữu hiệu hơn nhưng đôi khi chúng cũng được/bị con người đặt qua một bên khi một ngày họ bỗng yêu thế giới thực nhiều hơn, thích tự tay mình làm gì đó, như viết thư tay, viết thiệp tay, đề tặng cuốn sách hay viết tờ giấy nhắn chúc ngày mới an vui… gửi đến người mình yêu mến.

Huỳnh Văn Mỹ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thu-viet-tay-thay-chu-nhu-duoc-gap-lai-nguoi/