Thú vị cờ ốc

Cờ ốc là môn cờ truyền thống của đồng bào Khmer, được chơi nhiều dịp lễ, tết. Ngoài yếu tố giải trí, cờ ốc còn mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Kiên Giang nói riêng.

Vừa kết thúc ván cờ, ông Danh Lâm (53 tuổi), ngụ xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang) diễn giải: “Cờ ốc hay còn gọi là cờ Khmer dễ chơi, một phần nó giống cờ tướng, một phần giống cờ vua nhưng để chơi giỏi không dễ”.

Bàn cờ có 64 ô với 16 quân mỗi bên như cờ vua; trong đó có 8 quân chốt, 2 quân xe, 2 quân ngựa, 2 quân pháo, 1 tướng và 1 sĩ.

“Về nước đi, cờ ốc có một số quân giống cờ tướng, cờ vua nhưng một số nước khác. Quân mã trong cờ tướng đi có nước cản nhưng trong cờ ốc không cần có nước cản; quân khi sau khi qua sông như trong cờ tướng và được lột (đến vị trí được quy định trên bàn cờ ốc) thì được ăn quân cờ đối phương theo 4 hướng trước sau quân cờ… Có thể nói cờ ốc xếp trên cờ tướng nhưng dưới cờ vua về độ khó”, ông Lâm nói.

Theo những người Khmer lớn tuổi, môn cờ ốc không biết có từ khi nào nhưng ngày nay người biết chơi môn này không nhiều, chủ yếu là người lớn tuổi, người trẻ tuổi hầu như không biết chơi cờ ốc.

Ông Nguyễn Văn Leo (70 tuổi), ngụ xã Thủy Liễu cho biết: “Lúc trẻ, tôi thấy người già chơi cờ ốc hay nên chơi theo. Môn này hấp dẫn hơn cờ tướng vì nước đi đa dạng hơn ở tất cả các quân, nhất là khi chiếu bắt bí quân tướng”.

Ông Leo lý giải, luật chơi môn cờ ốc quy định khi đối phương chỉ còn một quân tướng mình phải chiếu liên tục đến khi đối phương bị ăn mất quân tướng thì thắng cuộc. Nếu chiếu không bí, dừng một nước chiếu để điều quân khác trong khi quân tướng đối phương hết đường đi thì đối phương có quyền lấy một quân bất kỳ của mình ra khỏi bàn cờ, cứ như vậy từ thế chủ động nhưng lại dễ thua.

Với độ khó của môn cờ ốc, mỗi ván có thể kéo dài hàng tiếng nếu gặp đối thủ ngang cơ. Người chơi cờ ốc có thể chấp quân nếu đối thủ yếu hơn để tạo sự cân bằng và hấp dẫn ở mỗi ván đấu.

“Tôi biết chơi môn cờ ốc từ khi còn trẻ, hồi đó nhiều người biết chơi lắm, có khi thi đấu 2 người nhưng đa số tập hợp chừng chục người mỗi bên để chơi, chỉ, bàn. Chơi môn này có sự phân hóa rõ giữa các cao thủ, người mạnh về điều quân tốt, người mạnh quân ngựa, xe, tượng… Người chơi giỏi có thể chỉ cần một loại quân để hạ đối phương dễ dàng. Chơi cờ ốc ngoài kiên nhẫn, đòi hỏi sự tính toán rất kỹ lưỡng”, ông Danh Lịa (72 tuổi), ngụ xã Thủy Liễu chia sẻ.

Đồng bào Khmer chơi cờ ốc tại chùa Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Cũng theo những người chơi cờ ốc, để tìm mua bộ cờ ốc ngoài thị trường gần như không có, phải mua từ Campuchia. Khi có quân cờ bị mất, người chơi thay thế bằng nắp chai nhựa nhưng không vì thế mà không khí vui tươi, hào hứng màn so tài giữa các kỳ thủ giảm sút.

Ở chùa Thủy Liễu còn bàn cờ ốc được cho có tuổi đời trên 100 năm tuổi được mọi người giải trí hàng ngày. Bàn cờ bị lõm xuống ở các vị trí quân cờ đánh, một phần do hao mòn của thời gian nhưng phần lớn do tác động của người chơi khi gõ mạnh quân cờ trong các nước đi, nhất là gõ mạnh khi ăn quân cờ đối thủ.

Con cờ ốc ngày xưa được làm từ sừng trâu, gỗ quý chạm trổ rất đẹp và được bảo quản cẩn thận. Theo thời gian, môn cờ ốc ít được người trẻ chơi, cũng mất dần ở các giải đấu thể thao truyền thống cấp tỉnh và cơ sở.

Ông Lý Văn Út - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hòa Thành, xã Thủy Liễu cho biết: “Ngày xưa, môn cờ ốc được chơi phổ biến, giờ chỉ thấy còn chơi nhiều dịp lễ, tết của đồng bào Khmer, một số người chơi thường xuyên hơn ở các chùa. Tôi thấy môn cờ ốc mang tính cộng đồng cao vì không chỉ có người Khmer mà có cả người Kinh chơi nữa nên có sự giao lưu văn hóa, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc”.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/thu-vi-co-oc-11460.html