Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện việc nhận chìm vật chất xuống biển

Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Tin trên Tuổi trẻ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tới Bộ Tài nguyên Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định pháp luật .

Trước đó, VnExpress đưa tin, ngày 23/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: Thanh niên

Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m. Đây là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước, có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km, có sự hiện diện của 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm danh mục nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi, tôm hùm.

Nhiều nhà khoa học lo ngại có thể xảy ra "thảm họa môi trường" nếu việc nhận chìm được triển khai. Hội nghề cá và một số tổ chức phi Chính phủ cũng có đơn kiến nghị dừng việc cấp phép.

Tiếp diễn biến, Tiền phong đăng tải, theo giấy phép, gần 1 triệu m3 vật chất nhận chìm là từ quá trình nạo vét vũng quay tàu và khu bến chuyên dùng, phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích...

Hồi đầu tháng 7, Thanh niên đưa tin, ông Phạm Sỹ Hoàn - Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết Viện sẽ có cán bộ giám sát độc lập suốt quá trình thi công nhận chìm. Nội dung giám sát gồm: giám sát hành trình vận chuyển, vị trí nhận chìm; vật, chất nhận chìm và những dấu hiệu bất thường nếu xảy ra, có đúng như giấy phép không. Ông Hoàn yêu cầu chủ đầu tư phải gắn tất cả thiết bị giám sát hành trình GPS và các thiết bị quan trắc khác trên các phương tiện thi công.

Trong khi đó, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận lo ngại quá trình triển khai có khả năng nước sẽ đục, ảnh hưởng đến các hộ dân nuôi tôm vì họ bơm nước biển để nuôi. Ông Lâm đề nghị phải có phòng giám sát cộng đồng để người dân tự giám sát cùng với các cơ quan chức năng.

Ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND H.Tuy Phong cũng băn khoăn: “Quá trình thi công nhận chìm, chắc chắn sẽ có những tác động xấu đến môi trường biển. Do vậy đề nghị chủ đầu tư phải làm một cách nghiêm túc, nghĩ đến cuộc sống người dân địa phương nhằm giảm thiếu thấp nhất các hệ lụy về môi trường nếu có thể xảy ra”.

Chủ tịch UBND H.Tuy Phong còn đề nghị không chỉ có các trạm quan trắc biển, mà phải đặt thêm nhiều điểm quan trắc trong bờ, vì trong bờ có nhiều hoạt động kinh tế khác.

(Tổng hợp)

Đậu Đậu

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/thu-tuong-yeu-cau-danh-gia-toan-dien-viec-nhan-chim-bun-xuong-bien-a198087.html