Thủ tướng phê duyệt quy hoạch danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn

Ngày 11-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 822 v/v phê duyệt quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Một góc danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Theo đó, phạm vi quy hoạch có diện tích 1.049.701m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, thuộc địa bàn P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ranh giới cụ thể, phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2 nhằm quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh gắn với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, làm căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh thắng và các khu vực liền kề; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh theo quy hoạch được duyệt và tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực…

Quy hoạch quy định rõ các khu với chức năng khác nhau, như: Khu chức năng liên quan đến bảo tồn cấu trúc danh thắng được điều chỉnh mở rộng phạm vi Khu vực bảo vệ I thành 189.821m2, bao gồm: diện tích khu vực cảnh quan của 6 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn và phần diện tích bổ sung của khu vực núi Ghềnh 8.373m2) và phần núi đá phía Đông Nam Âm Hỏa Sơn (328m2 cùng các công trình di tích, tôn giáo, các công trình kiến trúc có giá trị; khu vực nhà ở kết hợp kinh doanh đá mỹ nghệ; khu vực bảo tồn hình thái vùng dân cư sản xuất nông nghiệp; khu chức năng liên quan đến tôn tạo, phát huy giá trị danh thắng, khu vực công cộng, gồm: các khu chức năng bố trí các công trình quản lý, quảng bá, giới thiệu danh thắng Ngũ Hành Sơn; khu vực du lịch-dịch vụ, gồm các khu chức năng tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ, du lịch.

Ngoài ra, Quyết định 822 cũng định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan, hệ sinh thái của danh thắng Ngũ Hành Sơn trên cơ sở bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, bổ sung các yếu tố nhận diện mới phù hợp, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch liên quan, bảo đảm đồng bộ về quy hoạch kiến trúc và thiết kế hạ tầng kỹ thuật, xử lý hài hòa 4 giữa bảo tồn và phát triển đô thị đối với hệ thống công trình dân sự trong khu vực bảo vệ; đề xuất phương án phát huy giá trị trên cơ sở bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan, môi trường sinh thái của khu vực danh thắng. Trên cơ sở đó, tạo động lực kết nối giữa đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương với các hoạt động văn hóa, du lịch, văn hóa, cư dân địa phương nhằm mục tiêu phát triển bền vững và hình thành Trục cảnh quan, văn hóa lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò và Trục cảnh quan xanh kết nối Thủy Sơn và Mộc Sơn.

Về phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi cũng quy định rõ việc quy hoạch bảo tồn các giá trị nổi bật của danh thắng Ngũ Hành Sơn, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể tại các khu vực, gồm: hệ thống núi đá vôi và các hang động; hạn chế tối đa các các tác động, như: xây dựng, lắp hệ thống camera giám sát, biển báo… đến di tích. Thực hiện phục hồi, tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang căn cứ vào tình trạng kỹ thuật, lựa chọn phục hồi một số công trình khi có đủ cơ sở khoa học... Đối với hệ thống bia Ma Nhai phải có biện pháp bảo quản đúng với phương pháp chuyên ngành, đầu tư hệ thống chiếu sáng, lập bản sao lưu trữ di sản tư liệu bia Ma Nhai và có giải pháp trưng bày, giới thiệu tới công chúng bằng các hình thức phù hợp.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thu-tuong-phe-duyet-quy-hoach-danh-lam-thang-canh-quoc-gia-dac-biet-ngu-hanh-son-post280297.html