Thủ tướng phát lệnh khởi công Vành đai 3 TP HCM và 2 tuyến cao tốc trục ngang

Vành đai 3 TP HCM và 2 dự án đường cao tốc khi hoàn thành sẽ tạo xung lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và toàn vùng.

Sáng 18-6, UBND TP HCM và UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk đã phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khởi công đồng loạt 3 dự án giao thông quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh chính tham dự điểm cầu tại TP HCM

Những công trình lớn này gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP HCM (khởi công Dự án đường Vành đai 3; tại đường 9A, phường Long Bình, TP Thủ Đức) với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khởi công Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu) và Đắk Lắk (khởi công Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, trình bày thông tin dự án với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lễ khởi công Dự án Vành đai 3 TP HCM có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tich UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự lễ khởi công Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khởi công

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhấn mạnh tuyến Vành đai 3 và 2 tuyến cao tốc nêu trên khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển), cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Từ đó, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng Đông Nam bộ

"Công trình còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng"- Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng sự kiện hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án; là kết quả từ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như của các bộ, ngành Trung ương, nỗ lực của các địa phương. Đây là công trình của ý Đảng, lòng dân, là con đường kết nối, con đường phát triển.

Các lãnh đạo bấm nút khởi công dự án

Khối lượng công việc thời gian tới là rất lớn và nhiều thách thức. Yêu cầu đặt ra của Quốc hội và Chính phủ là phải thông xe tuyến chính cuối năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026. Chủ tịch UBND TP HCM và lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cam kết với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết tâm, đoàn kết, tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 dự án trọng điểm đồng loạt tổ chức khởi công hôm nay có tổng chiều dài 247km, tổng vốn đầu tư 115.000 tỉ đồng. Đây là chuỗi dự án trọng điểm của ngành giao thông.

Đặc biệt, cả 3 dự án này đều được áp dụng cơ chế đặc thù, như: đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao cho các địa phương; áp dụng cơ chế huy động tổng lực các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn phân bổ từ Trung ương và địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn đầu tư trung hạn, các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn cho chương trình phục hồi sau đại dịch; áp dụng chỉ định thầu rút ngắn thời gian khởi công dự án.

"3 cơ chế này được các địa phương mạnh dạn áp dụng, không nóng vội đã giúp rút ngắn thời gian khởi công dự án, thay vì 2 năm chuần bị thì chỉ còn 1 năm như hiện nay" - Thủ tướng cho biết.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự kiện hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng

Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần của chính quyền TP HCM - đến thời điểm này đã bàn giao 87% mặt bằng cho dự án. Đây là cột mốc đáng trân trọng, là bài học quý cho các dự án tiếp theo.

Thủ tướng thay mặt Đảng, nhà nước cám ơn người dân của TP HCM và 6 tỉnh có các dự án đi qua đã đồng cảm, chia sẻ trách nhiệm, nhường đất nhường nhà cho dự án đi qua.

Thời gian tới, khối lượng công việc còn lớn, trong đó có việc chuẩn bị nguồn vật liệu, mặt bằng còn lại cho dự án. Thủ tướng đề nghị các bộ - ngành, tỉnh - thành, chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo tiến độ dự án thông suốt, an toàn, chất lượng; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Những mốc quan trọng của Vành đai 3 - Đồ họa LÊ DUY

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương... rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc triển khai trước đó để thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo dự án đúng tiến độ, không đội vốn, không chia nhỏ gói thầu. Song song đó, phải chăm lo tốt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Làm sao cho người dân có nơi ở mới, sinh kế mới, điều kiện sống tốt hơn để bà con tiếp tục ủng hộ những dự án tiếp theo.

Dự án mang rất nhiều kỳ vọng

THU HỒNG - ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-khoi-cong-vanh-dai-3-tp-hcm-va-2-tuyen-cao-toc-truc-ngang-2023061808540556.htm