Thủ tướng muốn lời nói thành hành động

“Đầu tiên, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh Chinhphu.vn

Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13 giờ chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay, Thủ tướng nói trong phần mở đầu bài phát biểu kết thúc Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 17-5 tại Hà Nội sau khi nghe hàng loạt ý kiến từ doanh nghiệp.

Một năm nhìn lại

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, có năng lực cạnh tranh cao; an toàn với người đầu tư về tài sản, vốn đầu tư.

Người đứng đầu Chính phủ cam kết môi trường kinh doanh có chi phí giao dịch thấp, rủi ro thấp; kiểm soát độc quyền, chống hàng giả, hàng nhái.

Thủ tướng khẳng định, trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. So với hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM, tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý những cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Về cải cách thể chế, ông khẳng định, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.

Các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử. Đối với tiếp cận các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm. Cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.

Trong hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư, điểm nhấn là mức tăng kỷ lục về xuất khẩu, khi các công ty tiếp tục giành được những đơn đặt hàng mới từ các thị trường quốc tế. Báo cáo mới nhất của Nikkei cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4-2017 đạt 54,1 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất trong đầu quí 2-2017. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện tốt hơn trong suốt 17 tháng qua với số đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng ở mức kỷ lục, hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong tháng 4. Như vậy, bức tranh kinh tế Việt Nam sáng lên, tốt hơn.

Về thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Thủ tướng nhận xét, mục tiêu này đã tạo sức ép cho các địa phương và cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Ông cho biết, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương.

Tất cả điều đó đạt được kết quả bước đầu rất ấn tượng mà chúng ta phải ghi lại hôm nay. Số lượng doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thật đáng mừng. Khoảng 4.500 thủ tục đã được sửa và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (bằng 77,5%).

Trên 110.000 doanh nghiệp được thành lập năm 2016 và số doanh nghiệp mới trong 4 tháng năm 2017 là hơn 40.000. Theo Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), 66% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% doanh nghiệp Mỹ dự định mở rộng kinh doanh, cao hơn ở Thái Lan (21%), Malaysia (19%). 75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả cải cách đã tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu.

Một số tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Moody đều đánh giá Việt Nam tăng nhiều bậc về môi trường kinh doanh và chúng ta đang phấn đấu năm nay vào nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, có một số chỉ tiêu theo hướng tổ chức OECD.

Còn nhiều rào cản

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Nhưng chúng ta cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này”.

Thủ tướng nói, các văn bản dưới luật chưa giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn, chính sách ban hành chưa sát với thực tiễn. Ví dụ, quy định, tiêu chuẩn trong các số lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường thiếu minh bạch, gây tốn kém chi phí. Sở hữu trí tuệ cũng nhiều vấn đề. Sản phẩm hàng hóa ra thị trường còn rất nhiều vướng mắc, rất mất thời gian của doanh nghiệp.

Các quy định về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Ông cam kết: “Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu. Đó là phải xây dựng thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch, dễ dàng áp dụng”.

Về thuế, phí còn cao liên quan đến các công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ đọng xây dựng cơ bản, ông nói, là chuyện mà Thủ tướng “rất trăn trở”.

Ông thừa nhận, thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Có hiện tượng "cò" làm dịch vụ cấp thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thuê đất còn cao.

Giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn. Vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền, chưa sát sao và nắm bắt chính xác các vấn đề doanh nghiệp cần hỗ trợ. Có cơ quan, có bộ phận cán bộ chưa nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời.

Về tiếp cận tín dụng, Thủ tướng cho rằng, chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn.

Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến cho dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời tín hiệu thị trường.

Rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Theo thống kê, Việt Nam mới có trên 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó Thái Lan là trên 30% và Malaysia trên 45%.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam chưa hình thành đồng bộ các thị trường như thị trường đất đai, thị trường tín dụng, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường các ý tưởng phát minh sáng chế…

Tiếp tục kiến tạo phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể sau:

Bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đó phải thực hiện hệ thống từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại.

“Tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”, ông nói.

Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện.

Xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh, và khả năng cải thiện năng suất. Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, chuyển nguồn lực cho mọi đối tượng, thành phần kinh tế có tiềm năng sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực đang có chứ không phải chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.

Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước.

Ông nói: “Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt”.

Thủ tướng cam kết, Chính phủ thúc đẩy sự phát triển các thị trường một cách mạnh mẽ, đồng bộ, bao gồm thị trường hàng hóa, thị trường có yếu tố sản xuất, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ…

Doanh nghiệp cần chinh phục thị trường nội địa

Thủ tướng cũng thúc giục doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Hãy chiếm lĩnh trước tiên thị trường lớn thứ 13 của thế giới, lại là đồng bào của mình, từ đó đủ sức tiến lên từng bước, chiếm lĩnh thị trường với nhiều sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Ở trong nước, chúng ta nói "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao", bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thế "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, giảm giá thành... là quan trọng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Bỏ qua thị trường này, chúng ta thất bại.

Thủ tướng nói sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. Không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội. Quản trị phải đáp ứng yêu cầu mới, quản lý theo yêu cầu công nghệ.

Ví dụ, Thủ tướng nói, Việt Nam đồng ý cho Uber, Grab vào hoạt động, mặc dù quản lý rất khó khăn. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải đồng ý chủ trương này, chứ không phải vì không quản lý được mà chúng ta cấm Uber và Grab.

"Tôi rất mừng khi hôm nay Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đều nói rằng bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là Hiến pháp, quyền thực thi pháp luật, cụ thể hóa càng phải nhấn mạnh đến quyền này của người dân, của doanh nghiệp, đặc biệt của người kinh doanh".

"Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay", Thủ tướng nói.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160202/thu-tuong-muon-loi-noi-thanh-hanh-dong.html/