Thủ tướng: Kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là đột phá trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với Đoàn 19 Tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.

Tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam; tính đến tháng 3/2024, có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam và Trung Quốc đều đang thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Các đại biểu cho rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số sẽ góp phần từng bước triển khai cụ thể nhận thức chung cấp cao của hai Đảng, hai nước trong tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

Giới thiệu về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công - tư để phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao như: Đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao…; nhất là các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín để cùng hợp tác trong những dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Khẳng định "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của hai bên, trên nền tảng quan hệ song phương tốt đẹp, hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại Việt Nam - Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực quan trọng, đột phá giúp đưa mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Dương Giang: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Dương Giang: TTXVN

Chính phủ luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tọa đàm là một bước triển khai cụ thể nhận thức chung cấp cao của hai Đảng, hai nước trong tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ cùng với các Bộ, ngành Việt Nam trao đổi thẳng thắn, chân thành, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến hợp tác thiết thực để trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng "thực chất sâu sắc hơn".

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết "3 cùng" và "3 bảo đảm".

Trong đó, "3 bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội, ổn định về chính sách để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng "3 cùng" gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế, tăng trưởng xanh; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Các doanh nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số tham gia tọa đàm. Ảnh: Dương Giang: TTXVN

Các doanh nghiệp của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số tham gia tọa đàm. Ảnh: Dương Giang: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam, thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam.

Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian tham dự tọa đàm. Sự kiện này cho thấy sự coi trọng cao độ của phía Việt Nam với việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc. Các đại biểu hoàn toàn nhất trí với các nội dung Thủ tướng đã đề cập, đánh giá cao thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-kinh-te-xanh-kinh-te-so-se-la-dot-pha-trong-quan-he-viet-nam-trung-quoc-320006.html