Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam, hai bên sau đó sẽ tiến hành hội đàm.

Chiều 13-11, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam từ 13 đến 14-11.

Theo chương trình, hai Thủ tướng cũng sẽ tham dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam và Đức.

Thiếu nhi Hà Nội tặng hoa, chào mừng Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: TTXVN

Đức là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Olaf Scholz và Đoàn đại biểu cấp cao CHLB Đức thăm chính thức Việt Nam theo nghi thức trọng thể dành cho người đứng đầu Chính phủ thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: VGP

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10-2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Olaf Scholz duyệt Đội Danh dự QĐND Việt Nam. Ảnh: VGP

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 11,2 tỉ USD; 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,45 tỉ USD. Tính đến tháng 8-2022, Đức có 431 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,31 tỉ USD, đứng thứ 4-24 trong EU và thứ 18-141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỉ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Olaf Scholz. Ảnh: VGP

Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là "Đối tác toàn cầu" trong Chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức. Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tháng 4-2020, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng Chính phủ Đức 100.000 khẩu trang kháng khuẩn. Tiếp đó, nhiều cơ quan, tổ chức Việt Nam cũng đã trao tặng khẩu trang và trang thiết bị y tế cho các đối tác Đức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Olaf Scholz tiến vào phòng hội đàm. Ảnh: VGP

Ở chiều ngược lại, trong năm 2021, Chính phủ Đức đã viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine phòng COVID qua cơ chế song phương và COVAX cùng với 75 máy thở. Nhiều địa phương của Đức đã trao tặng hàng trăm ngàn kít xét nghiệm và trang thiết bị y tế cho Việt Nam.

Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đón Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz tại sân bay Nội Bài chiều 13-11. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm góp phần thúc đẩy sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam - Đức

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam, GS-TS Thomas Engelbert - Đại học Tổng hợp Hamburg, nhìn nhận quan hệ Đức-Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, cũng là quốc gia châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước không ngừng tăng trong những năm qua, nhất là từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp Đức đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo Giáo sư Engelbert, mặc dù tổng giá trị đầu tư của Đức vào Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước tại châu Á nhưng xu hướng phát triển là rất tốt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đức và Việt Nam cũng có sự hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, phát triển các nguồn năng lượng sạch, hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, hợp tác phát triển... và mong muốn mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz đến sân bay Quốc tế Nội Bài bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Về chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Việt Nam, Giáo sư Engelbert cho rằng chuyến thăm này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mối quan hệ song phương.

Giáo sư Engelbert đánh giá, thông qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Scholz, Đức mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm khai thác tối đa lợi thế của mỗi nước.

Theo giáo sư Engelbert, chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy sự tin cậy chính trị hơn nữa giữa hai nước, tạo đà cho mối quan hệ song phương ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Ngay sau lễ đón, hai Thủ tướng Việt Nam - Đức tiến hành hội đàm. Ảnh: VGP

Về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Giáo sư Engelbert nhấn mạnh rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tỉ lệ tăng trưởng cao, dự kiến gần 8% trong năm nay…

"Nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển đúng đắn như những năm vừa qua, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa" - Giáo sư Engelbert khẳng định.

Đoàn Đại biểu cấp cao Cộng hòa Liên bang Đức gồm: Thủ tướng Đức Olaf Scholz; Quốc vụ khanh, Người phát ngôn Chính phủ Steffen Hebestreit; Nghị sỹ Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu Franziska Brantner; Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner; Cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh của Thủ tướng Jens Plötner; Cố vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng Steffen Meyer; Chánh Văn phòng Thủ tướng Jeannette Schwamberger; và Vụ trưởng, Văn phòng Thủ tướng Ralph Böhme.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ gặp gỡ báo chí; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; dự lễ chiêu đãi chính thức…

Theo TTXVN, VGP

NGUYÊN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-duc-olaf-scholz-bat-dau-tham-chinh-thuc-viet-nam-post707600.html