Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đằng sau những ý tưởng là tấm lòng sâu nặng với quê hương!

Chiều 12/11, trong buổi gặp gỡ với hơn 500 kiều bào tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng và TP.HCM trong buổi gặp gỡ với hơn 500 kiều bào tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, ông vô cùng xúc động và ấm cúng khi đứng trước bà con kiều bào. Dù ở xa Tổ quốc, nhưng huyết thống dân tộc vẫn không ngừng chảy trong kiều bào, bởi trái tim họ luôn hướng về quê hương.

Thủ tướng nói đã đọc một số bài tham luận của bà con kiều bào và rất cảm kích trước những đóng góp tâm huyết, thiết thực cho đất nước và TP.HCM: “Tối qua tôi đã đọc một số bài tham luận và thực sự cảm kích, ghi nhận mọi tâm huyết, trí tuệ của bà con, đóng góp ý tưởng thiết thực đối với các vấn đề mà đất nước và TP.HCM đang ngày đêm trăn trở”, Thủ tướng nói và đánh giá các bài tham luận thể hiện sự quan tâm, gửi gắm tâm huyết của kiều bào. Có nhiều kiến nghị mới, sáng tạo thể hiện trách nhiệm như quản lý rủi ro ngập lụt, xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp đến các vấn đề chiến lược, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, ông vô cùng xúc động và ấm cúng khi đứng trước bà con kiều bào!

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ sự xúc động trước câu chuyện khởi nghiệp tại quê hương của các kiều bào. Đằng sau những câu chuyện quay về quê hương còn là tình cảm sâu nặng, đóng góp cho quê hương giàu đẹp, văn minh hơn

Thủ tướng nhắc lại câu chuyện của ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, trở về Việt Nam lúc đã 60 tuổi để khởi nghiệp một lần nữa. “Tôi hiểu rằng sau những ý tưởng đó là tấm lòng sâu nặng với quê hương, đất nước, đồng bào mình”, Thủ tướng bày tỏ.

Đó là câu chuyện của Giáo sư Trần Thanh Vân (82 tuổi, Pháp), người khởi xướng chương tình Gặp gỡ Việt Nam. Chương trình đã mời nhiều nhà khoa học nổi tiếng, trong đó, có những người đoạt giải Nobel tới Việt Nam.“Sự hiện diện của kiều bào hôm nay tại TP.HCM, trung tâm kinh tế năng động của cả nước, khẳng định rằng tiềm năng của chúng ta không chỉ nằm vẻn vẹn trong dải đất hình chữ S. Ở đâu có người Việt Nam, ở đó có Việt Nam. Chúng ta chào đón những người con đem theo khát vọng, hoài bão về đóng góp cho đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng chụp hình lưu niệm cùng các kiều bào tiêu biểu

Thủ tướng cho biết TP.HCM đang phấn đấu trở thành trung tâm của khu vực. “Hồi trước, đây là Hòn ngọc Viễn Đông. Bây giờ, chúng ta mong muốn thành phố là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, Thủ tướng mong muốn.

Theo Thủ tướng, kiều bào thành đạt không chỉ đóng góp nguồn lực, tri thức mà còn đem thương hiệu Việt đi khắp thế giới. Hơn 4,5 triệu đồng bào ở nước ngoài là nguồn lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng chia sẻ, đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

“Chúng ta tự hào có những người con nước Việt là chuyên gia, trí thức trình độ cao ở các nước phát triển, có điều kiện tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với công nghệ tiên tiến, tri thức tiến bộ của thế giới, là cơ hội tốt để đóng góp giúp đất nước tiến bước nhanh hơn trên con đường phát triển.

Chúng ta vui mừng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào thành đạt không chỉ đóng góp xây dựng quê hương mà còn mang hàng hóa, thương hiệu Việt đến với thế giới”.

Đánh giá cao những nỗ lực trong đầu tư, phát triển khoa học công nghệ của kiều bào, Thủ tướng cũng gửi gắm mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa của Việt Nam. “Bà con là sứ giả truyền bá văn hóa, là cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới. Chúng ta quảng bá văn hóa nhưng không để mất gốc văn hóa. Văn hóa có nhiều yếu tố nhưng trước hết là tiếng nói và chữ viết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng gặp gỡ bà con Việt kiều

Dẫn chứng câu chuyện của nữ GS Caroline Kiều Linh Valverde, Việt kiều Mỹ đã nỗ lực tự học tiếng Việt và có bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Việt, Thủ tướng nói đó là câu chuyện sống động về giữ gìn văn hóa, bản sắc Việt Nam.

Giữ gìn văn hóa Việt Nam phải bắt đầu từ tiếng nói và chữ viết. Rất nhiều kiều bào là tấm gương tốt trong giữ gìn bản sắc dân tộc. “Đầu tư, kiều hối đều quan trọng, nhưng gìn giữ văn hóa Việt, bản sắc Việt còn quan trọng hơn. Mỗi kiều bào còn là một đại sứ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước cộng đồng kiều bào khắp thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ quyết tâm đổi mới chính mình, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động; tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ mọi rào cản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp; Đồng thời đẩy mạnh triển khai chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các thành phố lớn, cần chú trọng tạo dựng các kênh, diễn đàn đối thoại khả thi, thực chất để kiều bào phản ánh, đề xuất, kiến nghị và địa phương có tiếp thu, có phản hồi; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thủ tướng kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài, tùy vào khả năng và điều kiện của mình, cùng chung sức đóng góp xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu ca dao: “Dù cho sông cạn đá mòn. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” để bày tỏ tấm lòng luôn hướng về quê hương của đông đảo kiều bào. “Mỗi kiều bào ta dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó có thể còn có những suy nghĩ khác biệt về đất nước, nhưng tôi tin rằng trong tâm trí tất cả đều có trái tim ấm tình yêu quê hương, đất nước – nơi mà “quê hương mỗi người chỉ một”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp gỡ với 40 chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài.

Thủ tướng trao quà tặng cho đại biểu kiều bào

Buổi gặp mặt là một diễn đàn mở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, đề xuất những ý tưởng, đóng góp vào nhiều lĩnh vực liên quan đến tiến trình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nhân kiều bào tiêu biểu đã thẳng thắn trao đổi, góp ý với Thủ tướng về những vấn đề hệ trọng và đưa ra nhiều giải pháp liên quan trực tiếp đến những định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đi tắt, đón đầu sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4; mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Lắng nghe chi tiết các ý kiến góp ý tại buổi gặp mặt, xúc động trước tình cảm, trách nhiệm của các trí thức Việt kiều đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sáng kiến táo bạo của các chuyên gia, trí thức Việt kiều. Thủ tướng vui mừng bởi các ý kiến đều thể hiện sự đồng thuận, nhất trí và niềm tin vào tương lai phát triển của đất nước. Nhiều ý kiến, giải pháp rất có giá trị và có khả năng đi vào thực tế cuộc sống. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến và giao Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương mở thêm nhiều diễn đàn thuận lợi hơn nữa để các trí thức Việt kiều tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức, vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.

Lần đầu tiên 500 Việt kiều là chuyên gia, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… đã có mặt tại TP.HCM tham gia Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, khoa học, nhân lực cho thành phố.

Diễn ra từ ngày 11 đến 13/11, Hội nghị tổ chức 4 chuyên đề tập trung bàn bạc, góp ý xây dựng TP, HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển.

Đây là Hội nghị lớn lần đầu tiên tổ chức riêng cho TP.HCM thể hiện mong muốn không chỉ của TP.HCM mà là của cả nước, để thành phố đi đầu trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế.

Thu Hiền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thu-tuong-chinh-phu-nguyen-xuan-phuc-dang-sau-nhung-y-tuong-la-tam-long-sau-nang-voi-que-huong/