Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói về sứ mệnh của phụ nữ trong ngoại giao

Với bản lĩnh, tinh thần thép, sự linh hoạt, mềm dẻo trong giao tiếp, khả năng thu phục lòng người…, nhiều phụ nữ đã trở thành những nhà ngoại giao giỏi, góp sức trong các thành tích đối ngoại của nước ta. PV Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, về vai trò của phụ nữ trong ngành.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

PV: Trong lịch sử, ngoại giao Việt Nam đã ghi nhận nhiều cuộc đàm phán mang tính chất bước ngoặt, trong đó có những đóng góp của các nhà ngoại giao nữ. Xin Thứ trưởng cho biết, vai trò của phụ nữ trong các cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng của đất nước trong thời chiến và trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Hình tượng những người phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" luôn hiện diện trong lịch sử nước ta. Tiếp nối truyền thống của các nữ anh hùng đất Việt như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân…, phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn gian khổ, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đúng như lời một bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương, "đây quê hương ta, gái thay trai tay súng, tay cày đảm đang", rồi "việc nước, việc nhà vẹn toàn, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên".

Không chỉ "tay súng, tay cày" mà phụ nữ Việt Nam ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trên mọi lĩnh vực, trong đó có đối ngoại. Bàn về những tấm gương phụ nữ làm ngoại giao tiêu biểu không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế (1976-1991);

bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris và là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam (1969-1976).

Với bản lĩnh và tinh thần thép, trình độ và ưu thế thiên bẩm là sự linh hoạt, mềm dẻo trong giao tiếp, khả năng thu phục lòng người, họ đã trở thành những nhà ngoại giao mẫu mực, đóng góp quan trọng trong những cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, được coi "đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh".

Sau này, ngoại giao Việt Nam có bà Hồ Thể Lan, bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Phan Thúy Thanh, bà Nguyễn Phương Nga. Đây đều là những nhà ngoại giao có phong thái đĩnh đạc, chuẩn mực. Hiện nay, các nữ cán bộ ngoại giao tiếp tục tận tâm và có những cống hiến nổi trội trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau.

Với tỉ lệ tăng dần, từ gần 40% tổng số cán bộ ngoại giao đang công tác trong nước năm 2017 lên 46,55% năm 2023, các nữ cán bộ ngành ngoại giao được tạo điều kiện, trao cơ hội bình đẳng, không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy sự năng động, khéo léo, trí tuệ, góp công, góp sức trong tất cả các thành tích đối ngoại, được lãnh đạo và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Ngày càng nhiều cán bộ nữ giữ các chức vụ quản lý, một minh chứng là năm 2023, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng lúc có hai nữ Thứ trưởng.

PV: Trong một thế giới biến động khó lường, nhiều cuộc xung đột chưa tìm được giải pháp, để xoa dịu những "cái đầu nóng", theo bà, các nhà ngoại giao nữ có thể phát huy những điểm mạnh của mình như thế nào?

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Không chỉ Việt Nam mà ngày càng nhiều quốc gia nhìn nhận tích cực, cân bằng về vai trò của phụ nữ ở tất cả các ngành nghề, trong đó có ngành ngoại giao. Ví dụ, Đức đã công bố "Chính sách đối ngoại nữ quyền" hồi tháng 3/2023. Tại Liên hợp quốc, từ năm 2022, Đại hội đồng đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của phụ nữ, được đánh giá ngang bằng với nam giới, cho ngành ngoại giao trên toàn cầu bằng việc chọn ngày 24/6 hàng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ ngành ngoại giao.

Cá nhân tôi nhận thấy, hình ảnh của các nữ chính trị gia, nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao trên thế giới luôn là điểm thu hút trong các hoạt động đối ngoại cả song phương và đa phương; khiến người ta cảm nhận được sự cân bằng, hòa dịu, đôi khi đúng như bạn nói là "xoa dịu những cái đầu nóng".

Trong bối cảnh có những điểm nóng xung đột, bất ổn ở khu vực và trên thế giới với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay, ngoài việc cần sự mềm dẻo, khéo léo, còn đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nữa.

Phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, ngoài đức tính hy sinh cao cả, lòng thủy chung son sắt với đất nước, với dân tộc, sức chịu đựng, kiên cường vượt qua mọi khó khăn gian khổ, còn là khả năng thích nghi nhanh với hoàn cảnh mới, ứng xử linh hoạt, "biết mình, biết người", "biết dừng, biết biến".

Do đó, trong bối cảnh xoay vần ngày càng nhanh của thời đại thì sự uyển chuyển đó lại càng được thể hiện rõ và phát huy mạnh mẽ, nhất là với đặc thù của ngành ngoại giao là cán bộ thường xuyên được tiếp cận thực tiễn ở nhiều nước, thu về những trải nghiệm riêng và học hỏi được nhiều kinh nghiệm ngoại giao, đàm phán.

Có thể nói, sự mềm dẻo, khéo léo, linh hoạt là những ưu điểm của một nhà ngoại giao giỏi và hoàn toàn phù hợp với bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết.

Tôi tin rằng, các đồng nghiệp nữ của tôi trong ngành ngoại giao ngày nay, được sự quan tâm, tạo điều kiện và ghi nhận xứng đáng của các cấp lãnh đạo, được gia đình và xã hội ủng hộ, khuyến khích, sẽ ngày càng phát huy, thể hiện đầy đủ được giá trị vốn có của mình, đảm nhiệm tốt những vị trí, vai trò được giao phó, góp phần cấu thành "một nửa" của ngành ngoại giao toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại, vững mạnh.

Hải Yến (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thu-truong-bo-ngoai-giao-le-thi-thu-hang-noi-ve-su-menh-cua-phu-nu-trong-ngoai-giao-20240228124248288.htm