Thu thuế hàng online giá trị nhỏ, nên hay không?

Tính trung bình, 1 tháng cả nước có khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok. Vậy có nên thu thuế đối với các mặt hàng này?

Mỗi tháng có khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki... Ảnh: M.Hoa.

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đáng lưu ý tại Điểm b khoản 26 Điều 5 dự thảo Luật này bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Trên thực tế thì việc miễn thuế nhập khẩu đối với quà biếu, quà tặng đang được quy định tại Nghị định số 134/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Việc miễn thuế giá trị gia tăng gắn với miễn thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện đang được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu đồng thời với việc miễn thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu.

Song, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể. “Hiện nay, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu” - Ủy ban Tài chính nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Cơ quan thẩm tra Luật cũng đưa ra số liệu đáng suy ngẫm. Đó là: Theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, có trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100 - 300 ngàn đồng; hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD. Trung bình 1 tháng có khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok.

Vấn đề được đặt ra là có nên thu thuế đối với các mặt hàng có giá trị nhỏ được vận chuyển qua Shopee, Lazada, Tiki, TikTok để bảo vệ nguồn thu? Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần tính đến vấn đề này.

Ông Lâm phân tích: Thương mại điện tử bán hàng trực tuyến qua mạng rất phát triển. Nhất là qua các kênh thương mại điện tử ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Hàng từ nước ngoài được gửi về Việt Nam với giá trị nhỏ nhưng tính tổng giá trị hàng hóa được tiêu thụ qua những kênh này về Việt Nam là rất lớn.

“Trước chúng ta không thu thuế, nhưng bây giờ không thu thì sẽ mất đi nguồn thu rất lớn, không tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình thương mại trong và ngoài nước. Vừa mất nguồn thu, vừa làm ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại nói chung, tạo sự không bình đẳng trên thị trường Việt Nam. Do đó cần tính đến vấn đề này là một nguồn thu để đảm bảo “thu đúng thu đủ”, đảm bảo môi trường bình đẳng” - ông Lâm nói và cho rằng hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thu. Gói hàng nhỏ nhưng cộng nhiều gói hàng lại thành tổng giá trị thương mại giao dịch trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đang rất lớn và ngày càng có quy mô lớn lên. Do đó việc thu thuế để đảm bảo sự công bằng.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân sách Bùi Đức Thụ, ĐBQH khóa XIII lại cho rằng, Việt Nam hiện đã tham gia tổ chức thương mại quốc tế WTO. Trong WTO có việc mở cửa thị trường thương mại tự do “có đi, có lại”. Cho nên đầu tiên cần rà soát lại xem có mâu thuẫn với điều mà Chính phủ Việt Nam ký cam kết WTO không?. Nếu không phù hợp thì không nên thu thuế.

Theo ông Thụ, quản lý những năm gần đây có nhiều tiến bộ, tích cực. Nhưng cũng để thất thoát, lọt thu tương đối nhiều. Nếu thu thuế đối với những khoản nhỏ sẽ làm tăng chi phí quản lý lên rất lớn, khó kiểm soát hết được.

Ông Thụ cho rằng, nếu thu thuế đối với những hàng hóa có giá trị nhỏ trong xuất nhập khẩu sẽ dẫn đến hai tình huống. Nếu hàng đó là hàng tiêu dùng thì sẽ làm tăng giá hàng tiêu dùng lên vì thuế nhập khẩu là thuế gián thu, gây sức ép đối với mặt hàng trong nước, tác động xấu đến kiểm soát lạm phát. Còn nếu trường hợp các hàng hóa này là yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh, vật tư kỹ thuật, thiết bị thay thế phục vụ sản xuất kinh doanh thì sẽ làm tăng chi phí sản xuất. “Chi phí sản xuất tăng dẫn đến làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế mở cửa thị trường như hiện nay” - ông Thụ lưu ý.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-thue-hang-online-gia-tri-nho-nen-hay-khong-10278378.html